Trang chủ Tin Tức GS Trần Ngọc Thêm lên tiếng vụ GS Nguyễn Đức Tồn bị...

GS Trần Ngọc Thêm lên tiếng vụ GS Nguyễn Đức Tồn bị “tố” đạo văn của học trò

814

Có hay không việc thầy đạo văn của học trò?
Cụ thể trong cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)”, GS Nguyễn Đức Tồn bị tố đã “đạo” 2 luận án của 2 người khác để “hô biến” thành quyển sách của ông.
Luận án thứ nhất là “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật”, bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học của tác giả Nguyễn Thúy Khanh do ông Nguyễn Đức Tồn là người hướng dẫn.
Luận văn thứ 2 nghi bị ông Tồn “đạo” là luận văn tốt nghiệp đại học “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 36 (1991-1995).
Nghi án đạo văn này đã lùm xùm trong giới ngôn ngữ từ những năm 2002-2003, tuy nhiên chưa có câu trả lời rõ ràng về việc GS Tồn có thực sự đạo văn hay không?
Những ngày qua, vụ việc này lại bị xới lại, với ý kiến cho rằng ông Nguyễn Đức Tồn không xứng đáng nhận chức danh GS.
Về vấn đề này, liên hệ với GS Nguyễn Đức Tồn, ông cho biết mình bị vu cáo, hoàn toàn không có chuyện ông đạo văn của học trò. Ông nói rằng có GS-TSKH Trần Ngọc Thêm “làm chứng” cho ông về điều này.
Lao Động đã liên hệ với GS-TSKH Trần Ngọc Thêm – Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học, để làm rõ việc có hay không việc GS Tồn “đạo văn”.
GS Trần Ngọc Thêm cho biết, chính ông là người được giao nhiệm vụ thẩm định hai đơn thư nặc danh tố cáo ông Tồn đạo văn vào năm 2006 (thời điểm ông Tồn nộp hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn chức danh GS) để làm rõ vấn đề này.
Kết quả thẩm định như sau:
“Vào thời điểm đó, do thời gian làm việc chỉ có một đêm nên chúng tôi quyết định tạm thời giới hạn việc thẩm định trong cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá – dân tộc…”. Do ông Tồn là người hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh (NCS) Thuý Khanh, nên tôi đã yêu cầu ông Tồn cung cấp bản luận án tiếng Nga của mình cùng những tài liệu liên quan thẩm định.
Khi đối chiếu các văn bản, chúng tôi nhận thấy nội dung các trang trong chương I luận án của nghiên cứu sinh Thuý Khanh hoàn toàn trùng khít đến từng câu, từng đoạn với những câu, đoạn trong luận án của ông Tồn (mặc dù 2 thứ tiếng khác nhau). Còn bản đề cương chi tiết luận án của NCS thì mặc dù ghi tên “Nguyễn Thuý Khanh” nhưng nét chữ là của ông Tồn.

Bìa cuốn sách của GS Tồn và luận án của học trò. 

Trước những bằng chứng đó, trong bản giải trình gửi Đảng uỷ Viện KHXH Việt Nam, ông Tồn xác nhận: “Chính tôi đã khởi thảo đề cương chi tiết…”; “tôi phải thân chinh chữa từng từ, từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm, từng lời diễn đạt cho cả 4 bài viết cho Nguyễn Thuý Khanh và sau này chữa cho cả luận án nữa. Vì vậy, văn phong trong các bài viết và luận án của Nguyễn Thuý Khanh chính là văn phong của tôi…”; “Tôi đã cho phép Nguyễn Thuý Khanh sử dụng (luận án của ông Tồn – PV) trong luận án Phó tiến sĩ của cô ấy”.
Nghĩa là, trong phần được đối chiếu giữa luận án của ông Tồn với luận án của NCS Thuý Khanh, ông Tồn không đạo văn của NCS, nhưng đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc hướng dẫn luận án cho NCS là đã “giúp đỡ NCS quá mức cần thiết và đã nhắm mắt làm ngơ (nếu không nói là đồng loã) cho NCS “đạo văn” của thầy” – GS Trần Ngọc Thêm khẳng định.
GS Tồn đã vi phạm bản quyền
Dù chương I của cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” của GS Nguyễn Đức Tồn giống của học trò là vì GS Tồn đã cho học trò chép, tuy nhiên theo GS Thêm, các chương 3, 7 và 4, 8 là phần mang tính tư liệu thì GS Tồn lại chép (có dẫn nguồn) từ luận án của NCS do ông hướng dẫn và luận văn của sinh viên Cao Thị Thu.
“Chép lại hơn 100 trang, chiếm gần 1/3 toàn bộ cuốn sách, mà không được ghi tên ở trang đầu là những đồng tác giả hoặc thậm chí là những cộng tác viên thì thực chất cũng là một dạng “đạo văn”. Như vậy ông Tồn rõ ràng là đã vi phạm luật bản quyền một cách nghiêm trọng” – GS Trần Ngọc Thêm nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, Lao Động sẽ tiếp tục thông tin ý kiến của GS Nguyễn Đức Tồn và những người liên quan, để làm sáng rõ “nghi án” đạo văn từng gây xôn xao giới khoa học 10 năm trước.