Trang chủ Tin Tức Hình ảnh đáng sợ nơi miệng núi lửa Hawaii

Hình ảnh đáng sợ nơi miệng núi lửa Hawaii

752
Theo Daily Mail, chuyến bay không người lái do Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thực hiện nhằm kiểm tra hoạt động của miệng múi lửa Halemaumau thuộc núi lửa Kilauea ở Hawaii.
Chuyến bay ở độ cao 1.800m so với mực nước biển đã thu thập được những hình ảnh một miệng núi lửa sâu hoắm với các vách đá dựng đứng xung quanh.
Nhóm nghiên cứu ước tính Halemaumau có thể sâu đến 300m. Điều đáng nói, chỉ trong 2 tuần trở lại đây, miệng núi lửa này đã sâu thêm 100m do các hoạt động địa chất phức tạp trong khu vực.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm để tìm hiểu những kịch bản có thể xảy ra đối với miệng núi lửa này cũng như chuẩn bị phương án ứng phó cho tình huống xấu xảy ra.

Miệng núi lửa Halemaumau có thể sâu đến 300m – Ảnh: USGS

Trong 2 tuần, miệng núi lửa này đã sâu thêm 100m – Ảnh: USGS

Cũng trong đợt nghiên cứu, các nhà khoa học chứng kiến cảnh dung nham phun trào cao đến 53m từ lỗ phun Fissure 8 ở gần khu vực rạn nứt phía đông – vốn liên tục trải qua hoạt động núi lửa từ năm 1983 đến nay.
Nhóm nghiên cứu ước tính lỗ phun này “nhả” trung bình 100m3 dung nham mỗi giây, tương đương với dung tích 45.400 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic.
Kilauea là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới với khoảng 34 vụ phun trào từ năm 1952. 
Đợt phun trào gần đây nhất của nó khiến khoảng 2.000 người dân phải sơ tán, phá hủy hơn 600 ngôi nhà. Nó còn làm cho hồ nước ngọt lớn nhất ở Hawaii bốc hơi chỉ sau vài tiếng đồng hồ.

Mưa đá xanh tại Haiwaii

Cơn “mưa” đá xanh vừa xuất hiện ở khu vực núi lửa Kilauea – Ảnh: Wikimedia Commons

Theo trang Insider, mới đây, người dân khu vực núi lửa Kilauea bất ngờ chứng kiến một cơn mưa đá màu xanh đẹp mắt.
Đây là olivine, một khoáng vật sắt magie silicat phổ biến có công thức chung (Mg2+, Fe2+)2SiO4.
Loại đá này thường được tìm thấy trong tự nhiên dưới dạng những hòn nhỏ như hạt cát, rời rạc gọi là peridot, thường xuất hiện trong những vụ phun trào núi lửa và có màu xanh lục đặc trưng.