Trang chủ Tin Tức iPrice: lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp thương mại điện tử...

iPrice: lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt chỉ chiếm 37%

689
Với những số liệu thống kê có được từ nghiên cứu mới về vai trò của phụ nữ trong ngành thương mại điện tử, iPrice cho hay, so với các nước lân cận, Việt Nam thiếu hụt lãnh đạo nữ trong ngành thương mại điện tử (Ảnh minh họa. Nguồn: NextTech Group)

Nam giới nắm giữ 63% vị trí lãnh đạo doanh nghiệp

iPrice – Cổng thương mại điện tử tại 7 thị trường ASEAN (gồm Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines, HongKong và Việt Nam) vừa công bố nghiên cứu mới được đơn vị này thực hiện về vai trò của phụ nữ trong ngành thương mại điện tử.
Dữ liệu về các nhà quản lý của các doanh nghiệp thương mại điện tử tiêu biểu được iPrice sử dụng trong nghiên cứu mới là dữ liệu thu thập trên Linkedln; các doanh nghiệp thương mại điện tử được chọn nằm trong danh sách các doanh nghiệp có lượt truy cập cao nhất theo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 – nghiên cứu dạng interactive do chính đơn vị này thực hiện.

Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu mới của iPrice đã cho thấy, nam giới nắm giữ tới 63% ở các cấp bậc quản lí ở Việt Nam (C-level, Giám đốc, Trưởng bộ phận và Quản lí), trong khi chỉ có 37% các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam là phụ nữ. iPrice thông tin thêm: “Sự khác biệt ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với các nước ASEAN khác như Malaysia và Thái Lan. Theo đó, Thái Lan và Malaysia có số lượng phụ nữ ở vị trí lãnh đạo cao hơn tương ứng là 40% và 42%”.
Đại diện iPrice cho rằng, với ngành công nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán sẽ có trị giá 3,7 tỷ USD vào năm 2030, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước cần phải vượt qua sự khác biệt về giới. iPrice cũng cho biết, theo số liệu thống kê từ comScore, phụ nữ chiếm 58% tổng số lượt tham gia mua sắm trực tuyến, và là yếu tố quyết định đến 83 – 87% xu hướng mua sắm của thị trường tiêu dùng. “Cụ thể hơn, tại Đông Nam Á, thời gian trải nghiệm trên các sàn giao dịch mua sắm trực tuyến của phụ nữ nhỉnh hơn đến 40% – một con số khá ấn tượng và đáng được các nhà đầu tư quan tâm”, iPrice nêu.

Cũng theo nghiên cứu mới của iPrice về vai trò của phụ nữ trong ngành thương mại điện tử, trong các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt không hề thiếu vắng bóng dáng phụ nữ ở các chức vụ quản lí cấp trung. Thống kê cho thấy, có tới 44% phụ nữ nắm giữ chức vụ Trưởng bộ phận và 46% phụ nữ giữ chức vụ Quản lí. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo cao hơn lại vắng bóng dấu ấn của phụ nữ. Sự chênh lệch tăng dần ở các cấp lạnh đạo cao hơn, cụ thể là chỉ có 29% phụ nữ giữ chức vụ Giám đốc và con số chỉ là 23% ở các cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp là C-level.

Cổng thương mại điện tử iPrice khuyến nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao của ngành thương mại điện tử Việt Nam cần có những bước đi tích cực để tăng cường vị thế của phụ nữ trong mọi nấc thang của doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, chẳng hạn như chú ý nhiều hơn đến các vấn đề quan trọng như hỗ trợ trông con, đào tạo, kéo dài tuổi nghỉ hưu. “Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm các nữ lãnh đạo tiềm năng để bồi dưỡng và phát triển cũng là một giải pháp để giảm bớt sự chênh lệch giới ở các cấp lãnh đạo”, iPrice nêu ý kiến.

Tỷ lệ người nước ngoài ở các cấp lãnh đạo cao

Số liệu thống kê của iPrice đã cho thấy, người nước ngoài chiếm tỷ lệ cao ở các cấp lãnh đạo cao tại các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam, với tỷ lệ người nước ngoài đảm nhiệm vị trí Giám đốc lên tới 50% và con số này ở vị trí C-level là 43%.

Theo iPrice, thống kê kể trên trong nghiên cứu mới nhất của doanh nghiệp khá tương đồng với kết quả của những nghiên cứu trước đó về thị trường nhân lực ngành thương mại điện tử Việt Nam, cho thấy các doanh nghiệp thương mại điện tử tại nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng lao động chất lượng cao.
“Có một thực tế tồn tại là nguồn nhân lực ở trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn thương mại điện tử. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – VECOM, trong năm 2017 có đến 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động liên quan đến CNTT và thương mại điện tử”, iPrice dẫn chứng.
Liên quan đến câu chuyện nhân lực chất lượng cao của ngành CNTT nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam, liên tiếp trong những năm gần đây, báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam được Navigos Group thực hiện trên cơ sở tổng hợp dữ liệu từ nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search – Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc tập đoàn này cũng chỉ ra rằng CNTT luôn nằm trong Top ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao.
Đáng chú ý, trong hai quý I và II/2018, báo cáo của Navigos Group còn cho hay, Thương mại điện tử là 1 trong những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam đặc biệt cao, cùng với một số lĩnh vực khác như Fintech, Quản trị cơ sở dữ liệu hay công nghệ blockchain (chuỗi khối).
Để cập đến hướng tháo gỡ khó khăn về nhân sự nêu trên, iPrice viện dẫn ý kiến từng được CEO Tiki chia sẻ, đó là doanh nghiệp có thể giải quyết bài toán nhân sự như cách Tiki đã làm là tự đào tạo. Theo đó, Tiki đã phải tuyển những nhân sự “đẳng cấp quốc tế” và sử dụng chính những người này để đào tạo cho đội ngũ lao động trong công ty mình. “Vì thế, sẽ cần một khoảng thời gian nữa để thị trường Việt Nam đào tạo ra các lãnh đạo cấp cao trong ngành thương mại điện tử”, đại diện iPrice chia sẻ.