Khi tốt nghiệp, họ có thể trở thành kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh trong đời sống hoặc nghiên cứu thiết kế vệ tinh để Việt Nam phóng vào vũ trụ.
Vệ tinh trong tầm tay
Từng tham gia phát triển vệ tinh Pico Dragon, TS. Lê Xuân Huy mang mô hình vệ tinh viễn thám từ Trung tâm Vũ trụ – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hà Nội) vào TP.HCM giảng dạy. Trên mô hình đào tạo, sinh viên nhận biết và thực hành lắp ráp trong 15 tiết lí thuyết, 30 tiết thực hành.
“Ứng dụng công nghệ vệ tinh thực chất rất gần gũi đời sống, từ việc quan sát mây mưa, đo nước biển dâng, đo đất sụt lún, vẽ bản đồ, ứng phó thiên tai”, TS. Huy cho biết.
“Với môn này, người học có nhiều tư liệu, ảnh vệ tinh miễn phí, chỉ cần có kiến thức nền tảng và chịu đầu tư thời gian sẽ thành thạo. Tại Trung tâm Vũ trụ quốc gia, tôi và đồng nghiệp đã phát triển vệ tinh Pico Dragon phóng ra từ Trạm vũ trụ ISS năm 2013; hiện tại đang hoàn thành hai vệ tinh khác tại Việt Nam và Nhật để đáp ứng các nhu cầu cụ thể”.
Để sinh viên có điều kiện thực hành tại chỗ, ĐH Tokyo, Nhật Bản theo chương trình hợp tác đã tài trợ trạm định vị vệ tinh GNSS đặt trên mái trường ĐH Quốc tế với mức sai số chỉ từ 10 đến 50cm, chính xác hơn hệ GPS hiện tại.
Sinh viên được thực hành đo đạc nhằm hiểu rõ hơn ứng dụng của công nghệ định vị vào đời sống hàng ngày trong xây dựng (cầu đường, theo dõi chất lượng mặt đường, độ rung lắc của tòa nhà), trong nông nghiệp (bón phân, trồng cây), trong quản lý giao thông, vận tải…
Thực tập nước ngoài
Tăng cơ hội cọ xát với môi trường học thuật quốc tế, bộ môn Vật lí đã và đang gửi sinh viên đến thực tập tại các phòng nghiên cứu về các công nghệ mới ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cùng suất tài trợ chi phí sinh hoạt.
Trở về sau 6 tuần thực tập về cảm biến ảnh trên kính thiên văn ở Viện hàn lâm Sinica (Đài Bắc), sinh viên Nguyễn Phúc Đạt chia sẻ: “Nếu chương trình đại học cho tôi cái nhìn tổng quan thì dự án thực tập giúp tôi làm quen từng công việc nhỏ và mảng kiến thức chuyên biệt.
Dù được nhận tài liệu trước một tháng, tôi vẫn gặp khó khăn trong hai tuần đầu tiên, phải học cật lực để đủ khả năng tham gia dự án; bốn tuần còn lại công việc cứ chảy về, làm nhiều hơn học.
Ở Viện, không ai là thầy, chỉ có người nhiều kinh nghiệm hướng dẫn người trẻ hơn tự học, sẵn sàng trả lời những câu hỏi, chỉ ra thiếu sót của thực tập sinh khi làm việc”.
“Đó là cơ hội thử sức mình” – sinh viên Lê Kim Long nói về quãng thời gian đầy thử thách tại Đài Loan. “Sau vài tiết lí thuyết (2-3 giờ/buổi), chúng tôi bắt tay vào dự án luôn.
Dựa vào năng lực, sinh viên được giao phần đơn giản trong chuỗi nhiệm vụ phức tạp, qua đó biết được kiến thức hôm nay sẽ ứng dụng như thế nào trong tương lai, rèn kĩ năng xử lí vấn đề, phong cách làm việc nhóm… Để mở rộng kiến thức, sinh viên học hỏi lẫn nhau, để đào sâu, chúng tôi tìm đến giám sát viên dự án”.
PGS.TS Phan Bảo Ngọc – trưởng bộ môn Vật lý chia sẻ: “Nhiệm vụ của ngành kỹ thuật không gian là đào tạo nguồn nhân lực nhằm đưa ứng dụng của công nghệ vệ tinh vào sâu trong đời sống xã hội. Chúng tôi tập trung đào tạo hai hướng chính là viễn thám và công nghệ định vị”.
Về viễn thám, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý ảnh vệ tinh phục vụ quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường (ô nhiễm nguồn nước và không khí).
Về định vị, sinh viên có thể xử lý tín hiệu vệ tinh, lập trình cho các thiết bị di động sử dụng GPS trong giao thông, vận tải và các lĩnh vực liên quan. Một số sinh viên xuất sắc và đam mê vũ trụ học được tạo điều kiện để làm tiến sĩ ở nước ngoài.