Trang chủ Tin Tức Liệu công nghệ có cứu rỗi được thế giới của chúng ta?

Liệu công nghệ có cứu rỗi được thế giới của chúng ta?

691
Đối lúc rất khó để trở nên lạc quan. Chính trị là một mớ hỗn loạn, môi trường đang tồi tệ hơn từng ngày, và một nửa thế giới hoặc đang tan chảy, hoặc đang chìm trong biển lửa. Nhưng chúng ta vẫn có những lý do để vui vẻ, khi mà công nghệ đang phát triển từng ngày để đánh bại từng “kỵ sỹ của ngày tận thế”. Có lẽ bạn đang thắc mắc, liệu công nghệ sẽ cứu rỗi thế giới như thế nào?
Công nghệ vs Cái chết
Nói về mặt y học, đây là thời kỳ đỉnh cao trong lịch sử con người: cuộc sống của chúng ta kéo dài hơn rất nhiều so với tổ tiên đi trước, và điều đó đã diễn ra trong ít nhất 4 thế hệ gần đây nhất. Đúng vậy, tuổi thọ của con người ở phần lớn mọi nơi trên thế giới đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.
Công nghệ vẫn đang liên tục tìm ra những giải pháp mới giúp con người sống được lâu hơn, tốt hơn. Việc chỉnh sửa gene bằng “kéo cắt phân tử” mang lại những tiềm năng nhằm loại bỏ các bệnh di truyền và đấu tranh chống ung thư; tụy nhân tạo có thể sẽ làm thay đổi cuộc sống của những bệnh nhân tiểu đường; và phân tích “dữ liệu lớn” sẽ giúp mở khóa những phương thuốc cho nhiều tình trạng bệnh hiện đang hủy hoại hoặc giết chết nhiều mạng người.
Chúng ta đã bắt đầu thấy những thiết bị đeo (wearable) cứu mạng người dùng bằng cách cảnh báo họ về những tình trạng bệnh mà bản thân họ thậm chí còn không biết mình mắc phải; trong khi đó các nền tảng như ResearchKit của Apple có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu một lượng dữ liệu chưa từng có tiền lệ về mọi loại tình trạng sức khỏe.
Công nghệ vs Bệnh dịch
Bệnh dịch là một loại bệnh truyền nhiễm chết người, như dịch hạch (Cái chết đen) chẳng hạn. Có thể ngày nay, căn bệnh đó không còn là một mối lo ngại, nhưng ebola, HIV, và cúm gia cầm cho thấy chúng ta không nên tự mãn. Bóng ma của một đại dịch xuất phát từ tự nhiên hoặc do chính con người tạo ra, giết chết hàng triệu sinh mạng, là một thứ mà rất nhiều chuyên gia hiện vẫn đang thảo luận hết sức nghiêm túc.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã miêu tả 4 cách mà công nghệ có thể giúp chống lại các bệnh dịch trong tương lai: qua tin nhắn để cảnh báo mọi người về các thảm họa và cách tránh lây nhiễm bất kỳ loại virus nào; cung cấp các bài huấn luyện cho các nhân viên y tế đang hoạt động trong vùng dịch; cho phép các nhân viên y tế, các cơ quan và các bên quan trọng khác giám sát sự lây lan của dịch bệnh; và theo dõi trong thời gian thực cách thức một con virus có thể lây lan và dự đoán nó sẽ đi đến đâu.
Công nghệ vs Nạn đói
Cách ăn uống với thực đơn nhiều thịt của người phương Tây gây ảnh hưởng rất xấu đến cả môi trường và an ninh lương thực dài hạn của chúng ta – đồng thời cũng là một tin không mấy tốt đẹp đối với những loài vật vẫn ngày ngày cung cấp thịt cho con người. Nhưng bạn có biết chúng ta đã có thể tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm? Nghe có vẻ đậm chất khoa học viễn tưởng, nhưng sẽ sớm thôi, bạn có thể mua được chúng từ các cửa hàng thực phẩm thông thường. Và đối với những người thèm các món hamburger với những lát thịt thơm ngon, các loại burger không thịt, dựa vào nguồn gốc protein, nay đã đủ ngon để đánh lừa ngay cả những người khó tính nhất.
Sự thật là chúng ta đã tạo ra số lượng thức ăn hơn cả mức đủ để cung cấp cho từng người một trên toàn hành tinh, nhưng chúng vẫn chưa được phân phối hết. Theo các báo cáo của Oxfam thì 65% số người đói kém trên thế giới sống tập trung tại 7 quốc gia: Ấn Độ, Trung Quốc, Cộng hòa Congo, Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Ethiopia.
Công nghệ có thể giúp cải thiện tình trạng này. Thiết lập một chuỗi cung ứng giúp giữ thức ăn tươi ngon có thể tạo ra một sự khác biệt lớn, đặc biệt tại các quốc gia có khí hậu ấm nóng khiến thức ăn bị ôi thiu một cách nhanh chóng, và các mạng xã hội như WeFarm có thể cho phép các nông dân ở cách xa nhau giao tiếp với nhau tốt hơn. Theo báo cáo của CNN thì công nghệ còn có thể giúp dự báo nạn hạn hán: kết hợp dữ liệu vệ tinh và thông tin từ điện thoại di động có thể xác định được các khu vực dễ bị ảnh hưởng và cho phép chúng ta hành động trước khi vấn đề xảy ra, chứ không phải khi nó đã xảy ra rồi.
Công nghệ vs Chiến tranh
Công nghệ đã cho phép các lãnh đạo thế giới gọi nhau bằng tên thường trên Twitter, nhưng nó còn giúp ngăn chặn các cuộc xung đột trên toàn thế giới. Tại Kenya, dự án Una Hakika (tạm dịch là “Bạn có chắc không?) sử dụng các công cụ web và SMS để giải quyết vấn đề sai lệch thông tin và các tin đồn vốn từng gây ra những vụ bạo lực khủng khiếp; nhiều dự án tương tự khác cũng đã và đang ngăn chặn được các cuộc xung đột ở nhiều quốc gia như Burundi.
Những dự án này rất ấn tượng, nhưng không may là chúng ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử cho thấy dù công nghệ có thể có những hiệu ứng tích cực, nó không bao giờ chấm dứt được chiến tranh. Thực tế hoàn toàn ngược lại: bên cạnh việc tạo ra những phương thức thông minh hơn để cuốn con người vào “làn sương mờ ảo đầy màu hồng”, thế giới công nghiệp hóa cao độ và đầy lãng phí của chúng ta đã “đóng góp” đáng kể vào sự thay đổi khí hậu khủng khiếp vốn làm nghiêm trọng thêm những hệ quả vốn đã rất đáng sợ của chiến tranh.
Theo Liên hiệp quốc, nạn đói trên thế giới sẽ một lần nữa bùng lên vì sự kết hợp của hai yếu tố: nếu khí hậu không phá hủy các nguồn cung thực phẩm, thì chiến tranh sẽ “làm thay”. Sự đói kém thường được sử dụng như một vũ khí trong chiến tranh, khi mà các bên tham chiến luôn tìm cách làm hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn các hệ thống cung cấp nước, trang trại, vật nuôi và các khu chợ.
Theo Colin Kelley đến từ Đại học Columbia ở New York thì: “Những chấn động liên quan đến khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn về thức ăn và nước uống, và thậm chí có thể là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng bất ổn xã hội một khi ngưỡng phục hồi đã bị vượt qua. Chưa dừng lại ở đó, các cuộc xung đột sẽ làm suy yếu khả năng chống chịu và gây suy giảm nghiêm trọng khả năng tiếp cận thức ăn và nước uống, dẫn đến những hậu quả năng nề về mặt dinh dưỡng và sức khỏe”.
Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo sẽ không nhằm tranh giành dầu mỏ, mà là nguồn nước. Một số tranh cãi cho rằng nạn hạn hán là nguyên nhân chính cho cuộc cách mạng ở Syria, và khi biến đổi khí hậu thực sự trở nên tồi tệ, nó có thể làm cho nhiều quốc gia như Sudan không còn đủ điều kiện cho sự sống nữa. Những cuộc di cư hàng loạt của những con người tuyệt vọng từ các quốc gia bị ảnh hưởng đã và đang gây ra tác động lớn đến các quốc gia mà họ tìm đến, đặc biệt ở châu Âu.
Liệu công nghệ thật sự có thể cứu rỗi thế giới?
Bắc Cực đang gặp nguy hiểm, Tổng thống Mỹ thì đang “bận” đấu đá trên mạng xã hội, còn thế giới vẫn tồn tại nhiều ác quỷ, nhưng đây thực sự lại là thời điểm hoàn hảo nhất để tồn tại trong toàn bộ lịch sử loài người. Thử thách đối với công nghệ, và đối với chúng ta, là làm sao để tiếp tục đi theo hướng tích cực đó.
Những lựa chọn của chúng ta nhằm ngăn chặn hoặc đảo ngược biến đổi khí hậu là rất hạn chế, nhưng bằng cách ứng dụng các công nghệ thông minh hơn, xanh hơn, như năng lượng và vận tải sạch, cùng với thực phẩm bền vững, chúng ta có thể ngừng khiến mọi điều tồi tệ xảy ra nhanh hơn. Điều đó sẽ giúp giữ chân “những kỵ sỹ của ngày tận thế”, không cho chúng tiếp cận với thế giới của loài người.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres tỏ ra lạc quan. Dù “có nhiều lý do đáng báo động” về biến đổi khí hậu, ông tin rằng công nghệ sẽ tìm ra một cách nào đó: “Tôi rất tự tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Minh.T.T