7h sáng mỗi ngày, Hồ Bác Nhuận lái xe đến nhà máy ở khu công nghiệp Long Cương, tỉnh Quảng Đông. Nhà máy này có số lượng công nhân chưa tới 100, là nơi sản xuất linh kiện gốc (OEM), lắp ráp và cho xuất xưởng các loại loa thông minh khác nhau cho thị trường.
Theo QQ, công việc chính trong ngày của ông là kiểm kê, ghi chép và tới các xưởng khác để “xem hàng”. Một trong số đó là nhà kho chứa đầy những chiếc túi lớn, đựng các loại linh kiện điện tử chất cao như núi. Đây là nguyên liệu dùng cho việc lắp ráp loa thông minh. Tuy nhiên, chúng không phải là linh kiện mới mà là sản phẩm lỗi từ một nhà máy khác được mua về và tận dụng lại. Hai hoặc ba ngày một lần, ông phải đi tới các xưởng và nhà kho khác nhau để tìm và đánh giá các bộ phận linh kiện có thể tái chế được. Chúng sau đó sẽ được chuyển về nhà máy, tham gia vào quá trình hoàn thiện những sản phẩm mới.
“Các loại loa thông minh trên thị trường hiện nay hầu như không có đột phá lớn về chức năng. Các công ty buộc phải hạ giá bán, đồng nghĩa với việc chèn ép nhà sản xuất, lắp ráp như chúng tôi”, ông cho biết. Vì vậy, để có thể sinh tồn, các đơn vị như nhà máy của Bác Nhuận phải tìm mọi cách để hạ thấp giá thành và chi phí sản xuất, lắp ráp.
Người đàn ông này tiết lộ, với loa thông minh, kích thước không cần thiết phải quá lớn. Do đó, hầu hết các linh kiện bên trong những chiếc loa di động thông thường đều có thể được tận dụng lại. Chất lượng âm thanh cũng không vì thế mà thay đổi quá nhiều.
Sự khắc nghiệt của thị trường khiến các công ty bán loa ngoài việc chấp nhận thay mới vô điều kiện trong thời gian bảo hành cho người mua, còn chịu cả một tỷ lệ phần trăm nhất định về sản phẩm lỗi trong thời gian tồn kho cho chính xưởng sản xuất. “Ngoài một số thương hiệu lớn và nổi tiếng, các thương hiệu loa nhỏ hầu như không có yêu cầu về chất lượng của sản phẩm, miễn là giá thấp”, ông nói thêm. Và để có giá chào hàng thấp, các nhà máy phải tìm mọi cách để hạ giá thành.
Tại một nhà xưởng lắp ráp linh kiện, hàng đống vỏ loa đủ màu xám, trắng, vàng… được xếp la liệt. Vỏ loa này được tạo thành từ nhựa kém phẩm chất và vì quá trình sản xuất nhựa thường gây ô nhiễm, nhà máy đã quyết định mua từ một đơn vị nhỏ bên ngoài. Lý do để chọn nhà cung cấp này chỉ có một, đó là: “Rẻ”. Chúng được kiểm soát giá trong khoảng một nhân dân tệ.
Linh kiện quan trọng nhất trong những chiếc loa này là các con chip “thông minh”. Một số đối tác yêu cầu đơn vị sản xuất phải sử dụng phiên bản đời mới nhất để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhưng theo Nhuận Bác, trong hai năm qua, không có nhiều thay đổi lớn trong phần cứng của các thiết bị này.
Ở một góc khác trong xưởng, hai công nhân đang cắt hàng đống vật liệu tương tự vải bông theo một kích thước nhất định. Đây là thứ sẽ được bọc ngoài hoặc nhồi vào bên trong một số mẫu loa. Chúng thực tế cũng là loại vải thừa, có giá mua về ít hơn 3 USD một kg.
Sau khi lắp ráp hoàn thành, cả sản phẩm chỉ có con chip là bộ phận mới hoàn toàn, còn lại đều là linh kiện đã qua sử dụng và vật liệu tái chế. Các công nhân làm việc tại đây hằng ngày phải tiếp xúc với một lượng lớn sản phẩm nên phải mang găng tay và khẩu trang. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp họ tránh được việc bị mẩn ngứa do tiếp xúc với đủ loại vật liệu tái chế. Chính bản thân Bác Nhuận cũng phải thừa nhận mình “sợ mua loa thông minh bởi không biết người ta lắp cái gì bên trong”.
Sau khi lắp ráp hoàn thiện, chúng sẽ được dán nhãn và logo. Hôm nay, đơn đặt hàng của xưởng đến từ một đối tác có trụ sở tại Thượng Hải. Giá xuất xưởng của những chiếc loa thông minh này khoảng 27,5 nhân dân tệ, tương đương 4 USD.
“Nếu tận dụng được bo mạch chủ cũ, sau đó lắp ráp thêm chip, chi phí có thể giảm thấp tới 20%”, ông cho biết. Nhuận Bác cũng chia sẻ rằng trong khu công nghiệp này, có hơn 60 nhà máy có thể lắp ráp loa thông minh. Mặc dù thị trường về loa thông minh đang bùng nổ, các đơn đặt hàng không thể “nuôi” tất cả mọi nhà máy lắp ráp. Do đó, sự cạnh tranh giữa các xưởng là rất gay gắt. Đôi khi một số xưởng sẽ hạ giá thành thấp hơn mức giới hạn.
“Trước đây có một đơn hàng OEM cho một đối tác ở tỉnh Giang Tô. Có xưởng báo giá 12,7 nhân dân tệ (khoảng 2 USD) cho một sản phẩm, khiến tôi cũng thấy bất ngờ”, ông chia sẻ. Là người phụ trách nhập linh kiện đầu vào, Nhuận Bác từng cố gắng tìm hiểu làm cách nào để xưởng đó có thể đưa ra báo giá thấp như vậy, nhưng mọi biện pháp đều không khả thi.
Theo Mã Bân, một chuyên gia trong lĩnh vực này chia sẻ, phần cốt lõi của những loại loa thông minh này là các mô-đun, được sản xuất bởi một số công ty thiết kế vi mạch như MediaTek. Dựa trên con chip gốc, nhà sản xuất sẽ thêm vào các tính năng như Bluetooth, bộ phận thu sóng Wi-Fi, microphone, bộ khuếch đại… biến nó thành một bản mạch hoàn chỉnh. Sau đó, chúng có thể được lắp ráp trực tiếp vào loa. Tùy mức giá mà phân chia thành các chủng loại khác nhau.
“Phần cứng của loa thông minh nhiều năm nay không có sự đổi mới. Vẫn là micro, loa, Bluetooth, Wi-Fi, bộ khuếch đại, một số hãng bổ sung thêm màn hình tương tác”, Mã Bân chia sẻ.
Chức năng của hầu hết các loa thông minh giá rẻ này là chơi nhạc, trả lời một số câu hỏi theo bách khoa toàn thư, đồng hồ báo thức và vài chức năng nhỏ khác. Tuy vậy, nhiều công ty quảng cáo vẫn rầm rộ rằng loa thông minh của họ là “lối vào của những ngôi nhà thông minh trong tương lai”, với khả năng cho phép người dùng sử dụng lệnh thoại để kiểm soát các thiết bị gia dụng thông minh. Trên thực tế, theo ông những sản phẩm này chỉ là dạng biểu đạt cơ bản nhất trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, hay thậm chí có thể nói là “giả thông minh”.
Và một cách vô hình, nhà sản xuất đang đưa vào thị trường các sản phẩm chứa những tác hại tiềm ẩn đối với người sử dụng, trong cả vấn đề an toàn bảo mật và sức khỏe.
Mai Anh