Trang chủ Tin Tức Mạng xã hội “lách luật” sản xuất tin bài như báo chí...

Mạng xã hội “lách luật” sản xuất tin bài như báo chí điện tử

740

Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số của Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Bộ TT&TT tổ chức sáng ngày 22/5/2018, có hiện tượng mạng xã hội lách luật tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin như cơ quan báo chí điện tử.
Theo đó, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT trước đây và nay được quy định tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP thì trang thông tin điện tử và mạng xã hội của cùng một tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng một tên miền. Có nghĩa là mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp của cùng một tổ chức, doanh nghiệp phải có sự tách biệt, phân biệt rõ ràng, không được mập mờ, lẫn lộn, kết hợp cả hai loại hình trên cùng một tên miền.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số trang mạng xã hội được cấp phép vẫn cung cấp cả thông tin điện tử tổng hợp, cho đăng nhiều bài viết được dẫn nguồn từ nhiều cơ quan báo chí. Như vậy, các mạng xã hội này đang hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp không phép, vi phạm quy định tại khoản 2, điều 63 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Một số mạng xã hội “lách luật” tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin như cơ quan báo chí điện tử. Một số trang mạng xã hội, lách luật tổ chức sản xuất tin, bài, đăng tải dưới hình thức các thành viên, đồng thời thiết kế giao diện, phân thành các chuyên mục không khác gì các báo điện tử đã gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Đây thực chất là hoạt động báo điện tử không phép.
Một hành vi vi phạm pháp luật khác của các mạng xã hội là lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác. Ví dụ, một số doanh nghiệp đã lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ không phép khác, điển hình là các dịch vụ truyền hình trên mạng hoặc cung cấp các dịch vụ vi phạm pháp luật về bản quyền như xem phim trực tuyến, nghe nhạc trực tuyến. Hiện tượng này khá phổ biến trong thời gian gần đây. Theo đại diện Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tới đây cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các vi phạm này.

Theo quy định, các tổ chức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải công khai đầy đủ thỏa thuận cung cấp và sử dụng mạng xã hội, nhưng qua thực hiện công tác quản lý cho thấy nhiều mạng xã hội không công khai hoặc công khai không đầy đủ các nội dung thỏa thuận này.
Một số trang mạng xã hội còn không thực hiện đúng quy định về đăng kỳ, lưu trữ đầy đủ thông tin thành viên như ngày tháng năm sinh, số CMND, hộ chiếu, điện thoại, email…, một số trang mạng xã hội Việt Nam còn cho phép thành viên đăng ký sử dụng qua tài khoản Faceboook, cho phép người sử dụng đăng ký thông qua đầu số của thuê bao các mạng di động, cho phép người dưới 14 tuổi đăng ký sử dụng nhưng không có sự giám hộ hợp pháp của người lớn.
Bên cạnh đó, còn tồn tại một số biểu hiện vi phạm khác như: Còn tồn tại thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục, thông tin dung tục, phản cảm, sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác trên một số mạng xã hội đã được cấp giấy phép hoạt động. Một số mạng xã hội chưa xây dựng được hệ thống cảnh báo để người sử dụng thông báo khi phát hiện thông tin vi phạm. Bộ lọc từ các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép mạng xã hội còn khá hạn chế số lượng từ lọc dẫn đến cơ chế tự lọc của một số mạng xã hội chưa đạt yêu cầu, không lọc hết được thông tin có nội dung nhạy cảm, vi phạm.
Theo đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về đình chỉ, thu hồi giấy phép thiết lập trạng thông tin điện tử, giấy phép thiết lập mạng xã hội và trình tự thu hồi. Cụ thể, đình chỉ giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong thời hạn 3 tháng khi, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (đăng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, quảng cáo tuyên truyền cho nội dung bị cấm lưu hành hoặc dịch vụ bị cấm…
Doanh nghiệp sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép với trang thông tin điện tử, mạng xã hội nếu có các hành vi vi phạm như đăng bài tuyên truyền chiến tranh xâm lược, chống phá nhà nước, tuyên truyền tư tưởng phản động, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, thông tin xuyên tạc sự thật, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc, bí mật nhà nước theo quy định…
Theo con số thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông hiện có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép hoạt động nhưng lại đang bị Facebook, Google áp đảo.
Về người sử dụng mạng xã hội, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số, trong đó, số lượng người sử dụng mạng xã hội qua di động xấp xỉ 50 triệu người. Chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như đã nói là Facebook, YouTube, Zalo,…