Tại cuộc điều trần lần này, nội dung các chất vấn xoay quanh vấn đề tin giả và những nội dung cực đoan đang tràn lan trên Facebook.
Ban đầu, ông chủ Facebook đưa ra lời xin lỗi về vấn đề tin giả, các vụ can thiệp bầu cử và việc để rò rỉ thông tin người dùng. “Chúng tôi đã không làm đủ trách nhiệm của mình. Đó là một sai lầm và chúng tôi xin lỗi”, Zuckerberg nói trong phiên điều trần hôm 22/5.
Tuy nhiên, sau đó, các câu trả lời của CEO Facebook chủ yếu lặp lại các cam kết và mô tả kế hoạch đã đề cập trong hai phiên điều trần trước đó tại Quốc hội Mỹ.
Mark né tránh trả lời các câu hỏi chi tiết về quyền chọn bỏ quảng cáo mục tiêu, sự chia sẻ dữ liệu giữa Facebook và ứng dụng nhắn tin miễn phí của hãng như WhatsApp, hoạt động thu thập dữ liệu người dùng với cả những người không có tài khoản Facebook.
Mark Zuckerberg hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi số nhân sự trong mảng an ninh tại công ty, cam kết với châu Âu về kế hoạch tuyển thêm 10.000 nhân viên trong năm nay. “Facebook sẽ lắng nghe tiếng nói của mọi người nhiều hơn tại châu Âu và cả trên thế giới”, Mark Zuckerberg nói.
Nhiều nghị sĩ châu Âu trong phiên điều trần tỏ ra bức xúc với cách trả lời quanh co của CEO Facebook, câu trả lời không đầy đủ và họ không có cơ hội để hỏi thêm. Vì thời gian dành cho mỗi nghỉ sĩ chất vấn CEO Facebook chỉ vẻn vẹn trong 3 phút.
Nhiều người cho rằng, hình thức phiên điều trần và mô hình hỏi đáp đã tạo điều kiện cho ông chủ Facebook né tránh trả lời chi tiết.
CEO Facebook hứa sẽ trả lời bằng văn bản chi tiết các câu hỏi đặt ra tại Nghị viện Châu Âu.
Ông chủ Facebook liên tiếp phải ra điều trần sau bê bối Cambridge Analytica, rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook trong đó có 2,7 triệu người châu Âu. Sau sự cố, mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng đã có nhiều động thái nhằm lấy lại niềm tin người dùng. Mới đây nhất là việc Facebook gỡ bỏ 200 ứng dụng khỏi nền tảng của mình và xoá bỏ hàng trăm triệu tài khoản giả mạo.
H.N.(tổng hợp)