Trang chủ Tin Tức Miếng phô mai có tuổi thọ 3,200 năm, vẫn có thể ăn...

Miếng phô mai có tuổi thọ 3,200 năm, vẫn có thể ăn NHƯNG chưa chắc sau đó bạn có bị vấn đề gì không

738
Phô mai luôn là một trong những món ăn khoái khẩu của loài người, nhất là với những người thích uống nhâm nhi li rượu vang thì thật khó có gì hấp dẫn hơn là ăn 1 miếng phô mai béo ngậy với các hương vị đặc trưng cùng với vị đắng chát của rượu. Tuy nhiên cũng có những vị phô mai mà nhiều người khó có thể đủ can đảm để thử như các dạng phô mai mốc hay các dạng có mùi quá nặng đô. Gần đây các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 1 dạng phô mai ở trong 1 lăng mộ cổ tại
Ai Cập có niên đại khoảng 3,200 năm, và sau khi nghiên cứu thì trên lý thuyết là vẫn có thể ăn được, tuy nhiên đi cùng đó là các cảnh báo về một loại vi khuẩn gây bệnh sốt
Brucella có thể có trong miếng phô mai này.
Được biết chiếc bình chứa loại phô mai “thần thánh” này là đồ tùy táng theo của
Ptahmes, thị trưởng thành phố
Memphis, thủ phủ của vùng hạ Ai cập cổ đại. Theo nghiên cứu thì ông này cũng thuộc diện có số có má, bởi ngoài nhiệm vụ làm thị trưởng, ông còn giữ các chức khác tương đương như Tổng tư lệnh quân đội và còn giám sát cả ngân khố của cả thành phố. Bởi vậy nên sau khi chết thì các thủ tục chọn đồ tùy táng theo ông này cũng đã được lựa chọn cẩn thận theo những sở thích của Ptahmes khi sinh thời, và rõ ràng là với những gì trong cái hũ mà các nhà khoa học tìm ra thì phô mai là một trong những món ăn mà ông thích nhất. Cũng phải nói thêm là việc tìm ra chiếc hũ này cũng khá may mắn bởi mặc dù lăng mộ của Ptahmes được phát hiện vào năm 1885 nhưng sau đó mọi thứ bị lãng quên, phải đến năm 2010 các đợt khai quật mới lại tiếp tục, và thêm nữa đội
trộm mộ đã khoắng gần hết sạch các đồ ở trong lăng mộ này nhưng chắc với mấy chiếc hũ vỡ nát có chứa thứ bột kì lạ như trong ảnh thì chắc chúng cũng không thèm động đến, bởi vậy nên giờ chúng ta mới được chiêm ngưỡng loại phô mai 3,200 năm tuổi như vậy.


Hũ chứa phô mai được tìm thấy trong lăng mộ



Với thâm niên gần 33 thế kỉ được phơi trong môi trường sa mạc với độ kiềm mạnh thì bản chất chính của phô mai, đặc biệt là hàm lượng chất béo, đã thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của trường đại học Catania, Ý đã sử dụng 1 phương pháp tách protein hoàn toàn mới để xác định các peptide trong hũ đựng và đưa ra kết quả cuối cùng khẳng định chất màu trắng trong hũ này là phô mai. Thành phần của loại phô mai này được cho rằng là tổng hợp từ sữa dê, cừu và cả loài trâu Châu phi, một loài không thuộc diện động vật nuôi để vắt sữa thường gặp.
Tuy nhiên ngoài những peptite đó còn có cả loại vi khuẩn gây bệnh brucella có tên là Brucella melitensis, là dạng bệnh lây nhiễm phổ biến khi ta ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa mà không được tiệt trùng. Căn bệnh này tuy hiếm khi gây tử vong nhưng các triệu chứng của nó thì không vui vẻ gì cho lắm. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, đổ mồ hôi ban đêm, đau mỏi cơ, để lâu còn có thể gây
viêm khớp,
sưng tinh hoàn,
sưng tim…
Vậy nên đến giờ các thông tin chính vẫn là việc ở thời Ai Cập cổ đại người ta đã có các dạng thức ăn hấp dẫn như phô mai rồi, và chúng còn có thể được tùy táng theo người đã khuất. Và đến giờ vẫn chưa ai nếm thử xem miếng phô mai này có ngon hay không .