Trang chủ Tin Tức Mua smartphone, bạn đang tiếp tay huỷ diệt trái đất

Mua smartphone, bạn đang tiếp tay huỷ diệt trái đất

726
Việc mua một chiếc smartphone mới sản xuất sẽ tiêu tốn năng lượng ngang với sử dụng chiếc điện thoại cũ trong 10 năm.
Đó là kết luận rút ra từ nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học McMaster (Canada), xuất bản trong tạp chí Journal of Cleaner Production. Theo đó, nhóm đã phân tích ảnh hưởng phát thải carbon của cả ngành Công nghiệp Thông tin và Truyền thông (ICT)  trong giai đoạn 2010-2020, bao gồm cả máy tính cá nhân, laptop, màn hình máy tính, smartphone và các server máy tính.

Kết quả rất đáng lo ngại. Bất chấp xu hướng chuyển đổi từ việc sử dụng hệ thống máy tính khổng lồ sang những chiếc máy cỡ nhỏ, hay những điện thoại tiêu thụ ít năng lượng hơn, ảnh hưởng tổng thể về mặt môi trường chỉ đang ngày càng xấu đi.
Năm 2007, ngành ICT chỉ tạo ra 1% trong tổng lượng phát thải carbon. Hiện nay, nó được nhân lên gấp 3 và đang có xu hướng vượt quá tỉ lệ 14% vào năm 2040. Mức này tương đương với một nửa lượng phát thải carbon của toàn bộ ngành công nghiệp giao thông vận tải. 
Smartphone tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường, vì với vòng đời trung bình khoảng 2 năm, nó được coi như là những sản phẩm dùng một lần. Vấn đề ở chỗ, việc tạo ra một chiếc điện thoại mới, đặc biệt là việc khai thác các vật liệu hiếm để sản xuất nó, tạo ra lượng phát thải tương đương 85-95% lượng phát thải carbon do việc sử dụng nó trong vòng 2 năm. Điều đó có nghĩa là, việc mua một chiếc smartphone mới tiêu tốn lượng năng lượng tương đương việc sạc và duy trì hoạt động của nó trong cả thập kỉ. 

Điện thoại màn hình càng lớn, càng sang trọng thì tiêu tốn năng lượng vận hành càng cao. Đồng nghĩa với lượng khí thải nhiều hơn tại các nhà máy. Ảnh: Flipboard.

Mặc dù hiện tại mọi người không còn đổi điện thoại thường xuyên như trước, các công ty sản xuất đang tìm phương án bù đắp thiệt hại bằng cách bán ra những chiếc điện thoại lớn hơn, hào nhoáng hơn. Các nhà khoa học chỉ ra rằng smartphone với màn hình lớn tạo ra lượng phát thải carbon lớn hơn nhiều so với những chiếc điện thoại đời cũ.
Theo báo cáo môi trường của Apple, việc sản xuất ra một chiếc iPhone 7 Plus thải ra lượng carbon nhiều hơn 10% so với iPhone 6s, nhưng việc sản xuất ra một chiếc iPhone 7 bản thường lại phát thải ra ít hơn 10% so với 6s.
Vì thế, theo Apple, mọi thứ đang trở nên tốt hơn, nhưng đó là một kết luận quá lạc quan. Một nghiên cứu độc lập khác chỉ ra rằng quá trình làm ra iPhone 6s tạo ra lượng CO2 nhiều hơn 57% so với iPhone 4s. Và bất chấp các chương trình tái chế thực hiện bởi Apple và các công ty khác, hiện nay chỉ có dưới 1% smartphone là được tái chế, Lotfi Belkhir, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Dù sao đi nữa, chỉ cần (cố gắng) dùng một chiếc smart-phone trong 3 năm thay vì 2 năm, bạn đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải ra trái đất. Tiếp tục dùng điện thoại cũ là hành động sống “xanh” hơn mua mới bất kì một dòng điện thoại tiết kiệm năng lượng nào.
Smartphone đại diện cho bộ phận tăng trưởng nhanh của ngành ICT, nhưng thủ phạm lớn nhất liên quan đến phát thải CO2 lại thuộc về bản thân các server và trung tâm dữ liệu. Bộ phận này sẽ tạo ra tới 45% lượng khí thải của cả ngành ICT vào năm 2020.
Lý do của việc này là, với mỗi lệnh tìm kiếm Google, mỗi lần refresh Facebook hay mỗi một dòng tweet vu vơ mà bạn post lên, đều phải có một máy tính ở đâu đó trên “đám mây” xử lý. (Tình hình còn có thể tồi tệ hơn phụ thuộc vào sự phổ biến của tiền điện tử trong tương lai).
Ở đây, lại thấy vai trò của smartphone một lần nữa. Theo các nhà nghiên cứu, ứng dụng trên điện thoại làm tăng lượng sử dụng máy chủ (server) lên đáng kể. Càng nhiều điện thoại thì lại càng cần nhiều máy chủ. Với lượng thông tin ngày càng tăng trên các đám mây, tất nhiên chúng ta sẽ có nhu cầu mua điện thoại mới, khoẻ hơn, để có khả năng chạy nhiều ứng dụng hơn. 

Mỗi lần bạn update một status Facebook, có một máy chủ ở đâu đó trên đám mây điện toán phải xử lý. Ảnh: Gizmodo

Các nhà nghiên cứu cho rằng chính sách của chính phủ và thuế có thể tạo nên sự khác biệt, điều cần làm là chuyển đổi những server này sang sử dụng năng lượng tái tạo. Google, Facebook và Apple đều đã cam kết chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho hoạt động của họ. Trên thực tế, tất cả server của Apple đang chạy dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo.
Tương lai sẽ còn nhiều vấn đề hơn khi Internet of Things (IoT) phổ biến và rất nhiều thiết bị khác cũng sẽ sử dụng dữ liệu từ đám mây.
“Chúng ta đều đang thấy những thiết bị có khả năng kết nối internet, từ những thứ nhỏ nhất như đồng hồ đeo tay, đến thiết bị gia dụng, và thậm chí là xe hơi, xe tải và máy bay. Nếu xu hướng này tiếp tục, mỗi người đều chỉ có thể tự hỏi về những gánh nặng mà những thiết bị này sẽ đặt thêm vào cơ sở hạ tầng trung tâm mạng và dữ liệu, cộng với năng lượng cần thiết để sản xuất ra chúng nữa”, nghiên cứu của Đại học McMaster viết.
“Trừ khi hệ thống cơ sở hạ tầng chuyển đổi ngay lập tức sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo, sự phát triển của IoT có thể sẽ làm tăng đáng kể lượng phát thải CO2 toàn cầu, vượt xa mức mà các máy tính truyền thống gây nên và thậm chí nằm ngoài dự đoán của nghiên cứu này”.
Thật sự, vấn đề phát thải carbon của công nghệ vượt trên những gì mà một nhà thiết kế, một công ty hay thậm chí là một chính phủ có thể làm được. Với tư cách người tiêu dùng, chúng ta có nhiều lý do hơn bao giờ hết để ngần ngại mỗi khi có ý định “lên đời” điện thoại.

VietBao.vn