Trang chủ Tin Tức Mực dính trên tay rửa hoài không sạch, vì sao?

Mực dính trên tay rửa hoài không sạch, vì sao?

857

Thuở học trò chắc hẳn bạn đã từng bị la rầy vì để mực dính trên tay – Ảnh: Istockphoto
Bí mật nằm ở cấu trúc của mực và của da người.
Theo trang Science ABC, trong thành phần của mực, nhất là mực bút lông, có một số loại dung môi, chẳng hạn như cồn propyl.
Dung môi này thường hòa tan rất nhanh và thấm sâu vào đến lớp sừng của da. Ngoài ra, cấu trúc phân tử dung môi này siêu nhỏ nên có khả năng “luồn lách” qua những lỗ li ti trên bề mặt da.
Điều này có nghĩa một vết mực khi dính vào da thì một lượng lớn sẽ bám vào bề mặt của da, một lượng nhỏ sẽ “xâm nhập” vào bên trong.
Khi rửa vết mực, hầu hết chỉ có thể rửa được phần dính ở bề ngoài nhưng vẫn còn một vết mực nhạt nhạt khó tẩy đi.
Khi cố dùng tay chà xát để loại bỏ vết mực này, bạn có thể dễ dàng làm bong tróc lớp ngoài của da.
Theo trang Wikihow, để hoàn toàn rửa sạch vết bẩn này một cách dễ dàng, bạn có thể dùng bông gòn tẩm cồn isopropyl lau chỗ vết mực cho đến khi biến mất. Loại cồn này được bán ở nhiều hiệu thuốc.
Ngoài ra cũng có thể dùng nước tẩy sơn móng tay vốn chứa acetone – một dung môi tẩy bẩn hiệu quả. Nước tẩy sơn móng tay đôi khi còn chứa thêm một lượng cồn isopropyl.
Độ dính của máu “tươi” và máu “khô” trên da rất khác nhau – Ảnh: Istockphoto
So sánh với một số chất dễ dính trên da khác, chẳng hạn như máu. Thành phần của máu khác rất nhiều với mực, do đó sự tương tác giữa máu và da không hề giống như mực và da.
Điểm khác biệt lớn ở đây là các tế bào máu lớn hơn rất nhiều so với những phân tử mực và thành phần chính trong máu là nước, không chứa dung môi như cồn propyl giống mực.
Do đó, máu khi dính trên da không thể “vượt rào” vào trong. Máu không dính trên da như mực và có thể dễ dàng làm sạch.
Tuy nhiên, để máu dính vào áo quần lại khác. Cấu trúc của vải có rất nhiều lỗ nên máu dễ dàng “xâm nhập” và bị giữ lại. Điều này khiến rất khó làm sạch vết máu ở thời điểm máu dính vào áo quần.
Khi máu khô, mọi thứ lại khác. Nếu dính trên da hoặc trên áo quần trong một khoảng thời gian lâu, máu sẽ khô lại giống như cơ chế đông máu khi cơ thể bị thương.
Tương tự như keo dán, máu khô sẽ bám vào lớp bề mặt của da, áo quần và một số nơi khác máu dính vào. Đó là lý do khi chẳng may dính máu lên da, nếu không rửa ngay thì một lúc sau chắc hẳn bạn sẽ thấy khó tẩy rửa hơn bình thường.