Nghiên cứu thực hiện trên hơn 6.000 trẻ mẫu giáo cho thấy, những trẻ được bố mẹ đánh giá là có tính tò mò và ưa thích trải nghiệm những điều mới mẻ sẽ có kết quả thi toán và đọc hiểu ở trường tốt hơn.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã cố gắng theo dõi những ảnh hưởng tiêu cực mà tình trạng đói nghèo gây ra đối với trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em từ những gia đình có thu nhập thấp thường không sẵn sàng để đến trường. Chúng cũng đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra từ vựng và khó tập trung trong lớp học. Thậm chí, việc bị đói thường xuyên, thiếu an toàn và bị bỏ bê có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ trẻ, đặc biệt gây tác động xấu do những căng thẳng gặp phải.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Pediatric Research hồi tháng Tư chỉ ra rằng, có một đặc tính rất đơn giản sẽ giúp trẻ tăng khả năng học hỏi và thành công trên ghế nhà trường, bất kể hoàn cảnh kinh tế, xã hội của chúng ra sao.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét số điểm đọc hiểu và làm toán của 6.200 trẻ từ năm 2006 đến 2007. Họ thấy rằng, với những trẻ được bố mẹ đánh giá là rất hay tò mò thì đã làm bài tập ở trường tốt hơn dù gia cảnh như thế nào. Kết quả đều giống nhau đối với cả giới tính nam và nữ.
Bất kể xuất phát điểm xã hội, những đứa trẻ vượt trội thường có xu hướng thích thử những điều mới lạ và được đánh giá là giàu trí tưởng tượng trong cả công việc lẫn khi chơi.
Chúng càng tò mò thì điểm số toán học và tập đọc càng cao. Điều này đúng ngay cả với những học sinh không giỏi về khả năng tự kiểm soát bản thân, gồm cả tính kiên trì và cẩn thận. Nghiên cứu mới cho thấy, các đặc điểm như khả năng tập trung, kiểm soát nóng giận và kiềm chế ham muốn có thể là yếu tố quan trọng đối với người trẻ, nhưng tính tò mò lại là đặc điểm quan trọng hơn cả trong khả năng học hỏi những điều mới mẻ.
“Ngay cả với những đứa trẻ thiếu khả năng tự kiểm soát bản thân, thì với tính hiếu kỳ cao cũng sẽ giúp tạo ra kết quả học tập tích cực hơn”, nhóm tác giả viết.
Jean Piaget, nhà tâm lý học và triết gia nổi tiếng về các nghiên cứu ở trẻ từng nói, trẻ em không phải là “những chiếc bình trống rỗng để rồi được lấp đầy kiến thức”. Thay vào đó, chúng là “các nhà khoa học nhỏ tuổi đang xây dựng ‘triết lý’ của riêng mình về thế giới”.
Chúng ta hãy nên khơi dậy tính hiếu kỳ, thích khám phá và đặt câu hỏi về thế giới xung quanh ở trẻ. Bởi đó là nền tảng giúp chúng vượt qua khó khăn về hoàn cảnh sống để có kết quả học tập tốt hơn, đặc biệt ở khả năng tính toán và đọc hiểu.