Trong nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Ohio, Mỹ, bao gồm giáo sư tâm lý học Christian End đã tiến hành phân tích hơn 1.500 cáo phó từ 42 tiểu bang của Mỹ trong giai đoạn từ 2010-2012. Những tiêu chí được đem ra phân tích chủ yếu là tôn giáo, tình trạng hôn nhân, sở thích và các hoạt động khác. Họ muốn xác định, liệu tôn giáo có ảnh hưởng ra sao tới tuổi thọ của mỗi người.
Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy, những người theo tôn giáo có xu hướng sống lâu hơn 5,64 năm so với những người không thờ một đạo bất kỳ. Ngay cả khi bỏ qua tiêu chí hôn nhân, tuổi thọ của một người theo tôn giáo vẫn lâu hơn khoảng 3,82 năm so với người vô thần. Hôn nhân từ lâu đã coi là một trong những yếu tố giúp tăng tuổi thọ và ngăn ngừa bệnh tật cho con người.
Baldwin Way, đồng tác giả nghiên cứu kiêm phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Ohio cho biết: “Nghiên cứu này đã cung cấp thêm bằng chứng thuyết phục về mối quan hệ giữa việc theo tôn giáo và tuổi thọ của một người”.
Tôn giáo thúc đẩy hoạt động xã hội, giảm stress và tăng tuổi thọ cho con người
Việc tham gia tôn giáo thường đi đôi với sự gia tăng các hoạt động hội nhóm. Mối quan hệ xã hội mở rộng góp phần giải tỏa tâm lý cô đơn, trạng thái lười vận động, hai trong số nhiều yếu tố có thể giảm tuổi thọ của con người. Tuy nhiên trong nghiên cứu, các yếu tố này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tác động của tôn giáo với tuổi thọ của một người.
Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng, tôn giáo hướng con người đến những điều chân, thiện, mỹ, tránh xa được các chất gây nghiện có hại với sức khỏe như rượu, ma túy hay dục vọng quá lớn. Ngoài ra, tôn giáo còn dẫn dắt con người hướng thiện, luôn biết ơn về mọi thứ và tìm sự an nhiên cho bản thân. Đây được coi là biện pháp tâm lý hiệu quả giúp giảm stress và tăng tuổi thọ.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Khoa học tâm lý và Tính cách xã hội mới đây.
Tiến Thanh