Phát hiện mới một lần nữa củng cố thêm bằng chứng khoa học về việc giấc ngủ gián đoạn có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể, làm tăng nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.
Jonathan Cedernaes, nhà nghiên cứu sinh học tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, đồng thời là tác giả của nghiên cứu cho biết, những phát hiện này chỉ ra “chức năng không thể thay thế mà giấc ngủ đem lại. Ngủ không chỉ giúp bảo tồn năng lượng mà còn có vai trò vô cùng quan trọng”.
Theo The Guardian, thiếu ngủ dường như phá vỡ các kích thích tố kiểm soát sự thèm ăn và cảm giác no. Những người ngủ ít thường không có nhiều thời gian để ăn. Họ cũng hay mệt mỏi khi tập thể dục và khó tránh được sự cám dỗ từ các loại đồ ăn không lành mạnh.
Nhóm của Cedernaes đã thử nghiệm trên 15 tình nguyện viên khỏe mạnh tham gia một buổi thử nghiệm chia làm hai lần. Cụ thể, họ được cho một đêm ngủ đủ giấc và một đêm thức trắng. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích mỡ, mô cơ và máu của 15 người. Ở những người thiếu ngủ, mô mỡ của họ đã có sự thay đổi trong hoạt động gen và các tế bào có xu hướng hấp thụ chất béo và sinh sôi nhanh hơn.
Tất nhiên theo Cedernaes, việc tích cực tập luyện thể dục và có chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cải thiện khối lượng cơ bắp.
Mặc dù vậy, nhóm tác giả khẳng định sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm để xem liệu những thay đổi ngắn hạn mà họ vừa phát hiện thấy có tác động lên những người làm việc theo ca hoặc ngủ ít trong thời gian dài hay không.
Mối liên hệ giữa thiếu ngủ và bệnh tật đang trở thành mối lo ngại ngày càng lớn trên thế giới, đặc biệt với những người vì đặc thù công việc phải làm việc theo ca, hoặc di chuyển nhiều, không quen giờ giấc. Hồi năm ngoái, một tổng kết từ 28 nghiên cứu trước đó chỉ ra, những công nhân làm ca đêm thường có khả năng béo phì cao hơn 29% so với người lao động bình thường.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Advances mới đây.
Tiến Thanh