Trang chủ Tin Tức Nhà mạng công khai tiếp tay quảng cáo lô đề!

Nhà mạng công khai tiếp tay quảng cáo lô đề!

789

Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ vai trò của các nhà cung cấp viễn thông trong vụ đánh bạc nghìn tỉ mà công an Phú Thọ thụ lý.
Một tin nhắn: 3 cái sai nhà mạng
Anh Nguyễn Hoàng Long ở quận Hà Đông – Hà Nội cho biết: “Tôi sử dụng dịch vụ trả sau của VinaPhone từ mấy chục năm nay thông thường vẫn bị tin nhắn rác của nhà mạng này quấy rầy ví dụ như những tin quảng cáo trúng thưởng, du lịch.
Từ một năm trở lại đây, thỉnh thoảng có những tin nhắn từ đầu số 9266 gửi tới gạ gẫm chơi lô đề. Ngày 8.5, tôi nhận được tin nhắn từ đầu số này với nội dung “Chúc mừng số thuê bao 091358*** là người may mắn nhận CẶP SỐ VÀNG của dịch vụ xổ số may mắn hôm nay. Để nhận soạn Dk MB gửi 9266”.
Anh Long cho biết, mình không chơi lô đề, cũng không bao giờ đăng ký dịch vụ này ở bất kỳ đâu.
“Quá ngạc nhiên, tôi thử làm bước tiếp theo thì nhận được thông báo tin nhắn có tính phí, nhưng không biết phí bao nhiêu. Nội dung tin nhắn trả lời như sau: DV XOSOMAYMAN thống kê trong 30 lần quay, lâu về 21-32; về nhiều 29-85; về ít 33-99; đầu 3 (86 lần); CẶP SỐ MAY MẮN HÔM NAY 83-98. Rõ ràng đây là dịch vụ mồi chài lô đề.
Điều tôi ngạc nhiên là tại sao nhà mạng uy tín như Vinaphone lại tiếp tay một cách công khai cho tệ nạn lô đề mà nhà nước đang nỗ lực dẹp bỏ”- anh Long nói.
Tuy nhiên câu chuyện chưa hết, sau khi nhận được “con số may mắn”, anh Long tiếp tục nhận được thông tin về một dịch vụ khác, đó là “kết quả xổ số hằng ngày”.
Một tin nhắn mà nhà mạng VinaPhone đã có 3 cái sai: Thứ nhất là để sim rác tiếp tục hoành hành bất chấp những quy định của Bộ Thông tin Truyền thông, thứ hai là tiếp tay cho nạn cờ bạc, lô đề; thứ ba là tự động gửi tin và tự động gia hạn với cước phí 2.000 đồng/tin. Khách chỉ có thể hủy dịch vụ nếu nhắn tin hủy.

Khách hàng liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn dịch vụ lô đề mà nhà mạng công khai quảng cáo. Ảnh: P.V

Cài cắm để rút ruột khách hàng
Cùng với anh Long, nhiều khách hàng bức xúc hơn khi nhà mạng yêu cầu không tiếp tục làm phiền thì nhân viên tổng đài đề nghị soạn tin nhắn từ chối theo cú pháp đã hướng dẫn.
“Tại sao tôi lại phải soạn tin nhắn khi họ (nhà mạng – PV) là người chủ động làm phiền tôi. Việc gửi tin nhắn như vậy đồng nghĩa với việc mất phí. Như vậy là nhà mạng này nghiễm nhiên ép khách hàng phải trả tiền để được yên thân!” – một bạn đọc cho biết.
Trên thực tế, những tin nhắn dạng này gần đây thường xuất hiện với tần suất càng ngày càng nhiều. Theo khảo sát nhỏ của Lao Động, sau thời gian sử dụng và theo dõi cùng lúc sim đã kích hoạt của nhiều nhà mạng, tỉ lệ tin nhắn dạng này phần lớn đến từ các đầu số 9266, 9506, 9194, 1547, 9303, 9302, 9198…
Đây không phải là dạng tin nhắn mới, cách đây nhiều năm những tin nhắn mồi chài cờ bạc kiểu “Phương pháp soi cầu mới và hiệu quả nhất! Hôm qua chính xác 100%. Lô đề tiếp tục tận hưởng chiến thắng? Soạn tin ABS gửi 85**” hay “mỗi ngày đưa ra 1 cặp LÔ khả năng xuất hiện 99%. Để đăng ký nhận số, soạn X2 MB gửi 87**”.
Tìm hiểu tiếp thì phóng viên Lao Động mới thấy đây là dịch vụ gắn với VinaPhone rất công khai. Trên website của VNPT Cà Mau (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) còn công khai đăng tải thông tin về Cổng dịch vụ sổ xố may mắn 9266: “Dịch vụ Xổ số may mắn là cổng dịch vụ cung cấp các thông tin hằng ngày xổ số kiến thiết đất nước… cho các thuê bao mạng VinaPhone”.
Ai cấp phép cho đầu số 9266 quảng cáo, mời gọi chơi lô đề – một hình thức đánh bạc phi pháp?
Trách nhiệm của VinaPhone trong việc phát hành thẻ cào tiếp tay cho đánh bạc trực tuyến vẫn đang được làm rõ trong khi nhà mạng này không ngần ngại “rải thảm tin nhắn” gạ gẫm lô đề móc túi người bán hàng.
Giữa năm 2017, các doanh nghiệp viễn thông gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và GTel ký cam kết phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác. Bộ TTTT yêu cầu các doanh nghiệp không giải quyết được vấn nạn tin nhắn rác, SIM rác thì sẽ xử lý người đứng đầu. Vậy VinaPhone sẽ trả lời ra sao về trường hợp này?

Điều 60 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ghi: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không cung cấp miễn phí cơ chế tiếp nhận và xử lý thông báo về thư rác;
b) Không có biện pháp để tránh mất mát và ngăn chặn sai thư điện tử của người sử dụng dịch vụ;
c) Không phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp thông tin di động để hạn chế, ngăn chặn thư rác…
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác;
b) Không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác;
c) Không thực hiện các biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác trên mạng di động theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ bằng thư điện tử hoặc bằng tin nhắn không có đầy đủ các hình thức tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối theo quy định;
b) Gửi hoặc phát tán tin nhắn rác;
c) Cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số;
d) Tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung”
Khoản 4 Điều 66 Nghị định 174: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;
b) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.