Trang chủ Tin Tức Nhiều trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động như...

Nhiều trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động như báo điện tử

789
Ông Lê Quang Tự Do đề nghị lãnh đạo các Sở TT&TT chấn chỉnh hoạt động của các trang TTĐT tổng hợp và mạng xã hội.

“Bát nháo” trang tin điện tử hoạt động như báo chí
Sáng 20/4, trong khuôn khổ Hội nghị phổ biến Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức, nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động cung cấp thông tin trên mạng và trò chơi điện tử đã được nêu ra.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho hay, hiện nay các trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT quan tâm chấn chỉnh, bởi có rất nhiều trang tin hoạt động “mang dáng dấp của cơ quan báo chí”.

Theo ông Tự Do, những hiện tượng xấu của các cơ quan báo chí như “đánh đấm” doanh nghiệp, lợi dụng thông tin phục vụ cho hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo không lành mạnh… đã lây lan sang các trang TTĐT.
Nhiều trang TTĐT tổng hợp vi phạm các quy định về bản quyền, tự ý lấy lại tin bài của các báo, thậm chí toàn lấy tin bài tiêu cực hoặc tin bài “đánh đấm” doanh nghiệp sau đó đưa lên trang chủ rồi phát tán trên mạng xã hội Facebook. Có trường hợp khi các báo đã gỡ tin bài đăng sai nhưng trang TTĐT lại không gỡ.
Không ít trang TTĐT tuỳ tiện trích dẫn lại thông tin từ các cơ quan báo chí khác hoặc thay đổi tiêu đề, cắt xén, thêm bớt nội dung, hình ảnh trong bài viết. Một số trang câu view chỉ tập trung tổng hợp những tin bài có nội dung tiêu cực, phản ánh mặt trái của xã hội, từ đó tạo nên bức tranh ảm đạm về tình hình xã hội.
“Một số trang TTĐT tổng hợp hiện nay cố tình cho giao diện, tên gọi trở nên nhập nhèm, giống như báo điện tử. Trên tên miền của các trang này thường có những chữ như news (tin tức) hay bao (báo) để gây ngộ nhận là báo điện tử. Về quy định không cấm cách đặt tên này, tuy nhiên các Sở TT&TT phải thường xuyên kiểm tra xem họ đăng gì trên đó, có xuất bản tin bài hay không?”, ông Tự Do nhấn mạnh.
Đối với các Sở TT&TT, ông Tự Do đề nghị cần thận trọng khi cấp phép trang TTĐT tổng hợp có tên miền thuộc địa phương khác, có từ ngữ nhạy cảm dễ gây hiểu nhầm là trang TTĐT của cơ quan báo chí. Nếu phát hiện sai phạm, các sở có thể xem xét thu hồi hoặc điều chỉnh cấp lại giấy phép.
Mạng xã hội biến tướng, vi phạm bản quyền
Về mạng xã hội, ông Tự Do cho biết, cơ quan cấp phép là Bộ TT&TT, các sở chỉ là đơn vị phối hợp hậu kiểm. Hiện có tình trạng một số DN xin cấp phép mạng xã hội để cung cấp video clip nhưng thực chất lại cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Đây là hiện tượng mới mà Bộ TT&TT phát hiện từ năm 2017 đến nay. Một số DN bắt đầu thực hiện theo cách này.
Theo ông Tự Do, mạng xã hội là do người dùng chia sẻ nhưng các tổ chức, DN được cấp phép lại dùng để cung cấp các chương trình vi phạm bản quyền trên đó. Thực chất là do admin của mạng xã hội thực hiện nhưng núp dưới dạng người dùng chia sẻ.
“Bộ TT&TT đã có thông báo đến các DN, đối với các tên miền xin cấp phép mạng xã hội có chữ truyenhinh, phim… gây hiểu nhầm là kênh truyền hình hoặc kênh cung cấp phim thì Bộ sẽ không chấp nhận, yêu cầu các sở chấn chỉnh khi hậu kiểm”, ông Tự Do nói.
Ông Tự Do còn cho biết thêm, một số mạng xã hội còn có hiện tượng “lách luật” tổ chức sản xuất tin bài, thiết kế giao diện như báo điện tử gây nhầm lẫn cho người dùng.
Phương Anh Linh (Infonet)

VietBao.vn