Trang chủ Tin Tức Những thành tựu khoa học đáng kinh ngạc của người Maya

Những thành tựu khoa học đáng kinh ngạc của người Maya

892
Người Maya cổ đại (một nhóm người dân bản xứ sống ở các khu vực mà ngày nay là Mexico, Belize, Guatemala, El Salvador và Honduras) sở hữu một trong những nền văn minh tinh vi và phức tạp nhất ở Tây bán cầu. Trong khoảng thời gian từ năm 300 đến năm 900, nền văn minh của người Maya nở rộ với một số thành tựu khoa học đáng chú ý về thiên văn học, nông nghiệp, kỹ thuật và truyền thông.
Nền văn minh của người Maya kéo dài hơn 2.000 năm, nhưng khoảng thời gian từ năm 300 đến năm 900 mới là thời kỳ hoàng kim của họ. Trong thời gian này, người Maya đã phát triển một sự hiểu biết sâu sắc và phức tạp về thiên văn học. Họ cũng đã tìm ra cách trồng bắp, đậu, bí và sắn ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt; cách xây dựng các thành phố phức tạp mà không dùng máy móc hiện đại; cách giao tiếp với nhau bằng một trong những ngôn ngữ văn tự đầu tiên trên thế giới; và cách tính thời gian bằng hai hệ thống lịch phức tạp.
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ văn tự của người Maya được tạo thành từ khoảng 800 glyph (biểu tượng). Mỗi một glyph đại diện cho một từ hoặc một âm tiết, và có thể được kết hợp với những glyph khác theo gần như là vô hạn cách. Kết quả là, hầu như mỗi từ trong ngôn ngữ của người Maya có thể viết theo ba hoặc bốn cách khác nhau.
Hệ thống chữ viết của người Maya được tạo thành từ khoảng 800 biểu tượng. (Ảnh: Pinterest)
Thiên văn học
Người Maya tin tưởng mạnh mẽ rằng những biến đối của vũ trụ tác động một cách sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày. Do đó, kiến ​​thức và hiểu biết của dân tộc này về thiên thể được xem là rất cao cấp ở thời đại mà họ sinh sống: một ví dụ tiêu biểu là họ đã có thể dự đoán được thời gian diễn ra nhật thực. Họ cũng sử dụng các chu trình chiêm tinh để hỗ trợ việc trồng trọt và thu hoạch, và xây dựng hai loại lịch có tính chính xác cao như chúng ta sử dụng ngày nay.
Loại lịch thứ nhất, được gọi là Calendar Round (Vòng Lịch), được xây dựng dựa trên hai chu kỳ hàng năm mà có sự trùng lặp: một năm linh thiêng gồm 260 ngày và một năm thế tục gồm 365 ngày. Theo hệ thống lịch này, mỗi ngày sẽ gồm có bốn thông tin nhận diện: số thứ tự của ngày và tên ngày trong thần lịch (lịch gồm 260 ngày), và số thứ tự của ngày và tên tháng trong trần lịch (lịch gồm 365 ngày). Mỗi 52 năm được tính là một “khoảng thời gian”, hoặc Vòng Lịch. Sau mỗi “khoảng thời gian”, lịch sẽ tự động lặp lại.
Lịch Calendar Round của người Maya. (Ảnh: youtube.com)
Vì Calendar Round tính thời gian trong một vòng lặp vô tận, do đó đây không phải là cách thức tối ưu để xác định mốc thời gian của các sự kiện trong một khoảng thời gian dài. Do vậy, vào khoảng năm 236 TCN, một vị linh mục đã nghĩ ra một hệ thống tính thời gian khác mà ông gọi là Long Count. Hệ thống Long Count xác định ngày tháng bằng cách đếm từ một ngày cố định trong quá khứ. (Vào đầu thế kỷ 20, các học giả nhận thấy rằng “ngày cơ sở” mà Long Count sử dụng là ngày 11 tháng 8 hoặc 13 tháng 8, năm 3114 TCN). Hệ thống lịch này nhóm ngày tháng thành các chu kỳ như sau: baktun (144.000 ngày), k’atun (7.200 ngày) ), tun (360 ngày), uinal hoặc winal (20 ngày) và kin (một ngày).
Lịch Long Count hoạt động theo cách tương tự với Calendar Round – nó quay vòng từ “khoảng thời gian” này sang “khoảng thời gian” khác — nhưng một khoảng thời gian của nó, còn được gọi là “Đại chu kỳ”, thì dài hơn nhiều. Một Đại chu kỳ thường tương đương với 13 baktuns, hoặc 5.139 năm dương lịch.
Kim tự tháp Chichén Itzá
Người Maya kết hợp sự những tri thức cao cấp về thiên văn học vào việc xây dựng đền thờ và các kiến trúc tôn giáo. Kim tự tháp tại Chichén Itzá ở Mexico chính là một ví dụ. Kim tự tháp này được xây dựng dựa theo vị trí của mặt trời trong thời điểm xuân phân và thu phân (hai ngày trong năm khi độ dài ban ngày và ban đêm bằng nhau). Vào thời điểm hoàng hôn trong hai ngày này, kim tự tháp sẽ tạo ra một cái bóng trên chính nó, thẳng hàng với bức tượng đầu Thần Rắn của người Maya. Cái bóng tạo thành cơ thể của con rắn; khi mặt trời lặn người ta sẽ có cảm giác như thấy con rắn đang trườn xuống Trái đất.
Vào thời điểm hoàng hôm hai ngày xuân phân và thu phân, cái bóng của kim tự tháp Chichén Itzá tạo thành hình con rắn đang trườn xuống mặt đất. (Ảnh dẫn qua World Mysteries – Blog)
Công nghệ của người Maya
Đáng chú ý, người Maya cổ đại đã có thể xây dựng những ngôi đền phức tạp và những thành phố lớn trong khi không cần sử dụng những công cụ mà chúng ta xem là thiết yếu như kim loại và bánh xe. Tuy nhiên, họ cũng sử dụng một số sáng kiến ​​và công cụ “hiện đại” khác, đặc biệt là trong nghệ thuật trang trí. Ví dụ, họ làm ra những khung cửi phức tạp để dệt vải, và tạo ra một bảng màu cầu vồng của sơn lấp lánh được làm từ mica, một khoáng chất vẫn còn sử dụng trong công nghệ ngày nay.
Mãi cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng sự lưu hóa – kết hợp cao su với các vật liệu khác để làm cho nó bền hơn – được phát minh bởi Charles Goodyear vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, dựa theo những bằng chứng thu thập được, giờ đây các nhà sử học nghĩ rằng người Maya đã sản xuất ra các sản phẩm cao su từ khoảng 3.000 năm trước khi Goodyear nhận được bằng sáng chế vào năm 1843.
Trái bóng cao su được sử dụng trong trò chơi nghi thức pokatok của người Maya. (Ảnh dẫn qua Seratus.id)
Họ đã làm điều đó như thế nào? Các nhà nghiên cứu tin rằng người Maya đã phát hiện ra quy trình lưu hóa cao su một cách vô tình trong nghi thức tôn giáo khi họ kết hợp cây cao su và cây bìm bìm. Ngay khi nhận ra rằng loại vật liệu mới này chắc khỏe và đa năng như thế nào, người Maya đã bắt đầu sử dụng chúng theo nhiều cách khác nhau: đóng gáy sách, làm vải không thấm nước, keo dán, những bức tượng nhỏ và những quả bóng cao su lớn được sử dụng trong trò chơi nghi thức pokatok.
Sự suy tàn của nền văn minh Maya
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu khoa học đáng chú ý, nền văn minh Maya bắt đầu suy tàn vào đầu thế kỷ 11. Nguyên nhân của sự xuống dốc này vẫn còn là một ẩn đố gây nhiều tranh cãi cho tới ngày hôm nay. Một số tin rằng người Maya đã bị xóa sổ bởi chiến tranh, trong khi số khác lại cho rằng sự sụp đổ của nền văn minh này là kết quả của việc những tuyến đường thương mại của họ bị phá vỡ. Mặc dù phần lớn những gì còn sót lại của nền văn hóa Maya cổ đại đã bị tàn phá bởi những người Tây Ban Nha sang xâm lược vào thế kỷ 16 nhưng những thành tựu khoa học của họ đang dần được giới khảo cổ khám phá ra vẫn khiến con người hiện đại phải trầm trồ thán phục.
videoPlayerId=6de310a84
Ngọc Thuần
Có thể bạn quan tâm: