Trang chủ Tin Tức Rơi tiêm kích Su-22 ở Thanh Hóa, thở phào vì đã tìm...

Rơi tiêm kích Su-22 ở Thanh Hóa, thở phào vì đã tìm thấy hộp đen, tại sao việc này quan trọng như vậy?

829
Cũng như bất kỳ vụ tai nạn máy bay nào khác, điều được người ta quan tâm tìm kiếm nhất sau vụ rơi tiêm kích Su-22U ở Thanh Hóa trưa 26/7 có lẽ chính là hộp đen. Vậy hộp đen là gì và tại sao nhất định phải tìm kiếm chúng?
Khoảng 11h16′ ngày 26/7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 thuộc Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân) bay huấn luyện cất cánh tại sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa), đến 11h35′ cùng ngày thì mất liên lạc và rơi xuống khu vực xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trong khi lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận địa điểm xảy ra tai nạn, một nhóm khác gấp rút truy tìm tung tích hộp đen của máy bay và đã may mắn tìm ra vào lúc 16h cùng ngày.
Một tiêm kích Su-22U của không quân Việt Nam rơi ở Thanh Hóa trưa 26/7 (Ảnh: Báo Mới)
Hộp đen máy bay là gì?
Hộp đen có dạng hình hộp, kích thước khoảng 20 cm x 30 cm. Mặc dù gọi là hộp đen, thực chất thiết bị này thường có màu da cam nhằm giúp các đội cứu hộ có thể tìm thấy được dễ dàng hơn. Nó cũng thường được đặt ở đuôi máy bay – nơi ít bị ảnh hưởng nhất nếu xảy ra sự cố.
Hộp đen máy bay thường có màu da cam (Ảnh: abc.net)
Hộp đen trên máy bay giúp lưu trữ những thông tin quan trọng về dữ liệu của chuyển bay. Nó thực chất dùng để chỉ 2 thiết bị nhỏ, đó là Máy ghi âm buồng lái (CVR) và Máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR), hoạt động liên tục và sử dụng điện từ động cơ của vật chủ. Ngoài ra, chũng cũng có sẵn nguồn nuôi phụ để đảm bảo duy trì hoạt động phát tín hiệu khi tách khỏi máy bay.
Ngoài việc sơn màu da cam, hộp đen còn được gắn đèn hiệu và bộ phát tín hiệu để thông báo vị trí. Hộp đen cũng được chế tạo để có thể chịu được nhiệt độ lên tới 1.100 độ C trong 30 phút liên tục và ngâm dưới độ sâu lên tới 6.100m trong 30 ngày.
Tại sao phải nhanh chóng tìm kiếm hộp đen?
Mỗi thiết bị báo tín hiệu có khả năng phát các sóng siêu âm mỗi giây một lần và liên tục trong khoảng thời gian 30 ngày. Đây chính là thời gian các đội tìm kiếm hộp đen phải tận dụng nhằm xác định ra chúng, trước khi mất hoàn toàn khả năng tìm kiếm.
Mặt khác, các thông tin hành trình mà hộp đen ghi lại bao gồm tất cả hoạt động các máy bay từ khi bắt đầu cất cánh. FDR được nối với các thiết bị cảm ứng đặt ở nhiều nơi trên máy bay cung cấp các thông số thay đổi theo thời gian về hướng di chuyển, về tốc độ, về độ cao của máy bay, chênh lệch áp suất, điều khiển của tay lái, tình trạng nhiên liệu… Mỗi thông tin được ghi lại dưới dạng đường lỗ trong một dải kim loại mỏng. Trong khi đó, CVR được nối với những micro đặt trong buồng lái để ghi lại những âm thanh (như lời nói, tiếng bật công tắc, tiếng gõ cửa…).
Các tệp băng bên trong hộp đen (Ảnh: techz)
Nhờ vào các dữ liệu này người ta có thể tìm ra nguyên nhân, khắc phục những điểm thiếu sót và phòng chống những tai nạn có thể xảy ra sau này.
Khi tìm thấy hộp đen, các điều tra viên sẽ phân tích các bản ghi. Quá trình này có thể sẽ mất hai hoặc ba ngày tuỳ vào độ dài của chuyển bay cũng như độ phức tạp trong bảo mật. Hiện nay mới chỉ vài quốc gia trên thế giới có trình độ công nghệ để thực hiện việc này, gồm Mỹ, Canada, Australia, Anh và Pháp.
Ngày nay, với trình độ khoa học phát triển, thực chất người ta có thể thông qua mạng vệ tinh để thu nhận và lưu trữ dữ liệu của hầu hết các chuyến bay trên khắp thế giới. Nhưng hầu hết các hãng hàng không vẫn duy trì sử dụng hộp đen bởi chi phí nâng cấp quá cao. Theo một nghiên cứu từ năm 2002, mỗi hàng hàng không Mỹ có thể sẽ phải bỏ ra thêm khoảng 300 triệu USD mỗi năm để duy trì mạng lưới truyền tải dữ liệu toàn cầu này. Trong khi đó, số vụ tai nạn xảy ra đối với mỗi hàng là không nhiều, và nếu có thì chi phí khắc phục cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với chi phí duy trì mạng lưới đắt đỏ trên.
Nhật Minh