Trang chủ Tin Tức Tăng cường liên kết nghiên cứu khoa học trong phát triển công...

Tăng cường liên kết nghiên cứu khoa học trong phát triển công nghệ rô bốt

694
Đáp án phần nào đã được các chuyên gia lý giải tại Hội thảo “Công nghệ Robotics – Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng nay 21.8, tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho  biết, Robotics – Mechatronics (tạm dịch là Công nghệ robot – Cơ điện tử) có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện trong năm 2018 về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân của thực tế này được chỉ ra là vì không đủ tiềm lực tài chính và định hướng chiến lược phát triển
Các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng việc tăng cường liên kết giữa các nhà khoa học nước ngoài với các trường đại học, viện khoa học trong nước sẽ là giải pháp căn cơ để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghệ robotics và Mechatronics (Công nghệ robot – Cơ điện tử) vào nhiều ngành nghề tại Việt Nam. 
Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp – TS. Hoàng Việt Hồng đánh giá các doanh nghiệp Việt muốn đưa công nghệ rô bốt vào sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài lý do về tài chính, các yếu tố khác cũng quan trọng không kém là nhân sự, trình độ kỹ thuật, cơ sở vật chất… Nguyên nhân lớn nhất của sự yếu kém này chính là tồn tại không thể xử lý hiện nay của doanh nghiệp Việt, đó là sự manh mún, chủ yếu là là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ nên rõ ràng để đáp ứng được những đòi hỏi khách quan trên là rất khó.  
Trong khi đó, nếu có thể tập hợp sản xuất với quy mô phù hợp, ngoài các ngành công nghiệp thì rất nhiều ngành nghề có thể áp dụng công nghệ rô bốt vào quá trình sản xuất. PGS. TS. Hồ Anh Văn, Trường Khoa học vật liệu JAIST – Nhật Bản nêu ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp hay y tế… PGS Văn cũng cho biết hiện đang đào tạo cho các sinh viên Việt Nam, hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm và hi vọng công nghệ robot sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam.