Trang chủ Tin Tức Think ASEAN 2018: IBM bàn chuyện ứng dụng AI hiệu quả

Think ASEAN 2018: IBM bàn chuyện ứng dụng AI hiệu quả

715

Là một trong những sự kiện hàng đầu của IBM dành cho khu vực Đông Nam Á, Think ASEAN 2018 là cơ hội để các đại biểu tham dự cùng chia sẻ những cách tiếp cận cũng như triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI một cách đơn giản nhất…
Chia sẻ tại Think ASEAN 2018, bà Patricia Yim, Tổng Giám đốc IBM ASEAN cho hay, tại sự kiện Think diễn ra ở Mỹ vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IBM ông Ginni Rometty đã nói về Watson, một trong những thành tựu mà công nghệ điện toán biết nhận thức, AI đang góp phần làm biến đổi thế giới.

Bà Patricia Yim, Tổng Giám đốc IBM ASEAN chia sẻ tại sự kiện

Với Watson công nghệ điện toán biết nhận thức cung cấp thông tin chi tiết thông qua sự hiểu biết, lý luận, học tập và sau đó tương tác với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên như cách mọi người thường sử dụng. Điện toán biết nhận thức không chỉ có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu, mà còn hiểu được dữ liệu mà các hệ thống tính toán truyền thống không thể thực hiện được. Chẳng hạn như, các hệ thống nhận thức có thể “nhìn” hình ảnh bao gồm x-quang, “đọc” blog, tweet và các bài đăng trên các kênh truyền thông xã hội khác…

Thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo AI
Tại sự kiện Think ASEAN 2018, IBM đã ký kết hợp tác với Đại học Bách khoa Temasek Singapore nhằm nâng cao năng lực AI của Singapore, góp phần thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai. Được biết, AI là một phần trong chiến lược kỹ thuật số của Singapore được nhấn mạnh trong một báo cáo của Accenture Research và Frontier Economicslast.
Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) của Singapore đã đầu tư 150 triệu đô la Singapore vào một chương trình quốc gia mới nhằm thúc đẩy khả năng AI của nước này trong vòng 5 năm tới. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cũng đã công bố một khoản tài trợ và phân tích dữ liệu nhân tạo trị giá 27 triệu đô la Singapore theo chương trình công nghệ và đổi mới tài chính, nhằm thúc đẩy việc áp dụng và tích hợp AI và phân tích dữ liệu trong các tổ chức tài chính.

Báo cáo của Accenture Research và Frontier Economicslast đánh giá, AI có thể tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Singapore vào năm 2035, thay đổi bản chất công việc và sinh ra một mối quan hệ mới giữa người và máy móc. Ngoài ra, báo cáo xác định rằng các doanh nghiệp áp dụng thành công trí thông minh nhân tạo (AI) có thể tạo ra tới 215 tỷ USD tổng giá trị gia tăng (GVA) tại Singapore vào năm 2035.

Trong cuộc thảo luận có tựa đề “Thúc đẩy chương trình AI tại Singapore”, AI Singapore và Đại học Bách khoa Temasek đã nêu chi tiết sự hợp tác của họ với IBM ở Singapore. Tất cả đều phù hợp với chiến lược tăng trưởng của chính phủ Singapore cho nền kinh tế kỹ thuật số. Được biết, Đại học Bách khoa Temasek đã đưa AI vào đào tạo cho sinh viên IT từ năm 2018, cá nhân hóa từng bài giảng cho mỗi sinh viên.
AI giúp xử lý vấn đề rác thải nhựa trong lòng đại dương
Theo David Katz, Giám đốc điều hành The Plastic Bank Ngân hàng Nhựa, là một doanh nghiệp xã hội được thành lập vào tháng 5 năm 2013, nhằm mục đích giải quyết vấn đề ô nhiễm đại dương. Nhờ công nghệ của IBM, The Plastic Bank đang biến đổi cuộc sống của hàng triệu người thiệt thòi nhất trên trái đất, và thực hiện tầm nhìn cho đại dương sạch hơn.
Theo tính toán, cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có một chiếc xe chở rác thải bằng chất thải nhựa đổ xuống biển. Và như vậy, sẽ có tổng cộng khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Chất thải nhựa này thải ra đáy biển và trôi nổi trên bề mặt, chúng khiến các loài chim biển và các sinh vật biển khác bị nhiễm độc. Phần lớn rác thải nhựa đổ ra biển có nguồn gốc ở các nước chậm phát triển với cơ sở hạ tầng quản lý chất thải không được quan tâm đúng mức, nơi mà người dân đang phải sinh sống với mức chi tiêu chưa tới một đô la một ngày.
Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn, các nhà khoa học dự đoán lượng chất thải làm từ nhựa sẽ nhiều hơn số lượng cá sống trong lòng đại dương vào năm 2050. Điều này đặt ra câu hỏi: chúng ta có thể làm gì để bảo vệ thế giới tự nhiên? Với mức độ chất thải nhựa đi vào đại dương của thế giới được thiết lập để tăng gấp đôi vào năm 2025, làm thế nào Ngân hàng nhựa có thể trao quyền cho người nghèo nhất thế giới để giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại nhựa biển?
Để trả lời được câu hỏi trên, Ngân hàng nhựa với sự hỗ trợ của IBM đang huy động các doanh nghiệp tái chế từ các cộng đồng nghèo nhất thế giới để làm sạch chất thải nhựa để đổi lấy hàng hóa thay đổi cuộc sống nhờ công nghệ AI. Được hỗ trợ bởi AI của IBM, The Plastic Bank có được cách để làm gián đoạn dòng chảy của chất thải nhữa ra đại dương. Những chất thải nhựa này lại có thể được tái chế thành các sản phẩm mới.
Ông David Katz cho hay, “Tại Ngân hàng Nhựa, chúng tôi khuyến khích các công dân thu gom rác thải nhựa và chuyển đến các trung tâm xử lý của họ được đặt tại các địa phương. Đổi lại, họ kiếm được phần hỗ trợ giúp thay đổi cuộc sống gia đình như có chi phí học hành cho con cái, mua thực phẩm… Những rác thải nhựa sau khi thu gom sẽ được tái chế, và bán lại cho các nhà sản xuất để tái sử dụng như một nguyên liệu có nguồn gốc đạo đức.
Như vậy, bằng cách biến công dân ở các nước nghèo nhất thế giới thành các doanh nghiệp tái chế, Ngân hàng Nhựa nhằm mục đích làm sạch cả đại dương và nâng hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trên toàn cầu.
Công nghệ Blockchain: Khởi nguồn cho một nền kinh tế mới
Cùng với AI, Blockchain cũng là một ứng dụng được chia sẻ nhiều thông tin tại Think ASEAN 2018. Blockchain đang đóng vai trò là làn sóng lớn của cuộc cách mạng công nghệ. Blockchain đang xâm nhập vào mọi khu vực của thị trường. IBM đang nghiên cứu nhằm nỗ lực tăng khả năng áp dụng của Blockchain vào tất cả các lĩnh vực.
Blockchain được sử dụng theo cách thú vị và sáng tạo như thế nào? Bà Patricia Yim Tổng Giám đốc IBM ASEAN đưa ra ví dụ IBM đã hợp tác với Walmart xây dựng một nền tảng blockchain để quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm của công ty.
Hiện tại, mỗi khâu của chuỗi cung ứng sản phẩm của Walmart, bao gồm người nông dân, nhà chế biến và nhà phân phối đang được quản lý theo cách riêng. Để có thể giám sát các quy trình nhiều người dựa vào các thông tin, ghi chép được lưu lại trên giấy hoặc các chương trình máy tính độc lập để giám sát.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng cách tiếp cận phi tập trung hóa này đã cản trở nỗ lực của Walmart để quản lý hiệu quả chất lượng của sản phẩm lương thực. Nếu nghi ngờ sản phẩm có lỗi, thông thường, công ty buộc phải hủy tất cả các sản phẩm có vấn đề ra khỏi 6.500 cửa hàng Bắc Mỹ. Và để kiểm tra tác động của nền tảng blockchain của IBM đối với chuỗi cung ứng của mình, Frank Yiannis, Phó Chủ tịch an toàn thực phẩm của Walmart đã thách thức nhóm của ông theo dõi một gói xoài duy nhất được mua trong cửa hàng Walmart khi nó bị trả lại cho nhà cung cấp cùng với thông tin nguồn phân phối của gói xoài là ở Mexico. Với việc truy xuất nguồn gốc theo cách thông thường, Walmart phải mất gần một tuần để làm việc này. Thế nhưng, khi truy vấn này được thực hiện trên blockchain. Thời gian để có được câu trả lời là hai giây.
Được biết, Startup Everledger đã sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Startup Everledger đang xây dựng một mạng lưới kinh doanh bằng cách sử dụng Blockchain của IBM cho hệ thống chứng nhận toàn cầu, nhằm theo dõi các mặt hàng có giá trị như kim cương, tranh nghệ thuật và hàng xa xỉ, thông qua chuỗi cung ứng. Sử dụng Blockchain, Everledger có thể giúp bảo vệ người bán, người mua và chủ hàng trước tình trạng trộm cắp, hàng giả và các hình thức vi phạm khác.
Mạng lưới kinh doanh trên môi trường đám mây Blockchain của IBM giúp bảo mật các điểm đầu vào và chống lại các mối đe dọa nội bộ. Với các tính năng nâng cao giúp bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tính toàn vẹn của một chuỗi cung ứng khép kín. Bên cạnh việc hỗ trợ truy suất các mặt hàng có giá trị lớn, Blockchain còn hỗ trợ thiết kế để đáp ứng các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt của quy trình trong các lĩnh vực tài chính, chăm sóc sức khỏe…
Hiền Mai
Đọc thêm
Loading…

VietBao.vn