Trang chủ Tin Tức Trẻ em thời công nghệ – mùa hè trôi qua trên vài...

Trẻ em thời công nghệ – mùa hè trôi qua trên vài mươi inch

717

3 tháng hè là khoảng thời gian để các em học sinh vui chơi, giải trí, nạp lại năng lượng chuẩn bị cho năm học tiếp theo. Tuy nhiên ở thời đại các thiết bị di động ngày càng phát triển, mùa hè đó có nguy cơ trôi qua vô bổ, tù túng trong một màn hình chỉ vài mươi inch.
Lượng “view” khổng lồ cho YouTube
Trong top 10 video YouTube có lượt xem nhiều nhất tại Việt Nam, có 5 video mang nội dung dành cho trẻ em. Top 1 về lượt xem thuộc về MV “Bống bống bang bang” của ban nhạc 365, với 348 triệu lượt xem.

Trên một chuyến xe du lịch biển cùng gia đình, cô bé chăm chú xem YouTube. Trong suốt chuyến đi, em vừa vui chơi với mọi người nhưng cũng không quên thói quen này của mình.

“Cháu nhà mình coi MV này từ lúc 6 tháng tuổi đến nay gần 2 tuổi vẫn xem. Mỗi lần ăn hết chén cháo chắc phải xem đi xem lại 5-6 lần”, Trịnh Thúy, nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM chia sẻ.
Từ đó có thể thấy, trẻ em đang đóng góp lượng view khổng lồ trên YouTube. Cộng đồng nhà sáng tạo YouTube từ lâu luôn xem trẻ em là khán giả tiềm năng nhất trong các thể loại video.
Tuy nhiên, việc này báo hiệu một thế hệ “dán mặt” vào máy tính bảng, điện thoại di động chỉ để xem một video YouTube hàng triệu lần đang được hình thành.
Smartphone để trao đổi mọi thứ
“Con cố gắng đạt học sinh giỏi, bố sẽ mua máy tính bảng mới cho con”, “con vâng lời, mẹ cho con chơi điện thoại”, “con ngồi im thì mẹ cho con chơi iPad”…
Những “cuộc thương lượng” trên dần trở nên quen thuộc hơn trong ứng xử gia đình tại khu vực thành thị. Bởi ở đó, người lớn không có quá nhiều thời gian dành cho trẻ em.

Mùa hè đó có thể trôi qua vô bổ, tù túng trong một màn hình chỉ vài mươi inch.

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen dùng TV, smartphone, máy tính bảng như một công cụ “giữ trẻ”. Các thiết bị với âm thanh, hình ảnh, nội dung hấp dẫn này giúp người lớn kiểm soát trẻ. Một chiếc máy tính bảng sẽ giúp trẻ “ngoan” hơn, dụ trẻ ăn dễ hơn, “trói” trẻ ngồi yên cho bố mẹ làm việc nhà.

Chỉ cần có thiết bị trong tay, những đứa trẻ “hạnh phúc” sẽ không còn nhận thức đến những thứ xung quanh chúng nữa.
Khóc đưa máy tính bảng, ăn đưa máy tính bảng, nghịch ngợm cũng đưa máy tính bảng. Các thiết bị công nghệ ngày nay như “liều thuốc tiên” chữa lành mọi nỗi đau, thay thế được mọi yêu cầu của con trẻ mà không mất qua nhiều công sức của cha mẹ.
Cửa hàng di động “thất thủ”
Trước đây, trẻ em thành thị tuy không có không gian rộng rãi để chạy nhảy như ở nông thôn, nhưng vẫn được phụ huynh đăng ký các khóa học thể thao, năng khiếu, các hoạt động bổ ích tại các trung tâm văn hóa. Chí ít, trẻ em thành phố có thể xem TV với nhiều chương trình hè phù hợp, được biên tập kỹ lưỡng.
Nhưng từ khi thiết bị công nghệ phổ biến, chỉ cần một chiếc máy tính bảng, con trẻ có thể ngồi im hàng giờ mà cha mẹ không tốn chút công sức nào.
Các hoạt động chủ yếu thường là chơi game, xem những video chiếu tự do trên YouTube. Những nội dung chưa được kiểm duyệt, nhảm nhí, vô bổ có thể sẽ chạm đến tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ nếu không có sự kiểm soát của phụ huynh.

 Quầy máy trải nghiệm ở các cửa hàng điện thoại thường xuyên tấp nập các khách hàng nhí.

Với những em không được bố mẹ mua cho một thiết bị như bạn bè thì quầy máy dùng thử quả là một thiên đường để khám phá. Ở đây không cần phải đi xa, các em vẫn có thể nhìn thấy loài voi châu phi, con công ở sở thú, công viên Disney hoặc đắm chìm vào các tựa game mobile. 
Dạo một vòng quanh các đại lý bán lẻ di động, quầy máy dùng thử thường tấp nập trẻ em vào buổi chiều tối và cuối tuần đặc biệt là dịp nghỉ hè. 
“Mình là trung tâm bán lẻ thì bất cứ khách hàng nào cũng có thể vào sử dụng máy. Không thể cấm được dù là trẻ em hay người lớn”, Đức Duy, một nhân viên bán hàng tại trung tâm bản lẻ ở quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ.
Trước thực trạng quá tải trẻ em dịp hè, nhiều cửa hàng buộc phải chặn IP các trò chơi phổ biến, thậm chí là YouTube để các “thượng đế nhí” không trực chiến hàng giờ tại đây.
Giết chết sự sáng tạo
Không thể phủ nhận vai trò, lợi ích của công nghệ trong thời đại số nhu hiện nay. Nhưng nếu phụ huynh cứ mãi phó thác cho con trẻ mà không can thiệp nội dung, sự sáng tạo của thế hệ sau có thể bị giết chết.
Một chú siêu nhân có thể khiến cậu bé tưởng tượng bao nhiêu điều, một bộ đồ chơi nấu ăn giúp bé gái sáng tạo bao nhiêu trò buôn bán. Nhưng ngày nay, đa phần trò chơi, video, đều đã được lập trình sẵn, đăng tải tràn lan trên Internet.

Rất khó để bắt gặp những trận bóng như thế này trong thời đại smartphone.

Tất cả sự vận động của trẻ em ngày nay chỉ quy về xem, nghe và vuốt, hoàn toàn bị động. Điều này có thể giết chết sự tìm tòi khám phá, sáng tạo của trẻ thơ.
Tô màu trên màn hình cảm ứng thì làm sao hiểu được lực tay thế nào là đậm là nhạt? Làm sao lắng nghe được tiếng bút chì cọ vào giấy? Làm sao biết được giấy có thể rách, chì có thể gãy? Chỉ xem, nghe và vuốt thật sự là chưa đủ để trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh.
Bên cạnh đó, một số nội dung chưa được kiểm duyệt thậm chí còn khiến trẻ em sa vào những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành động sai. Đó là chưa kể đến những nội dung đồi trụy, bạo lực chưa qua kiểm duyệt có trên Internet.
Nguy cơ sức khỏe
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trên cả nước mắc tật khúc xạ về mắt. Trong đó 2/3 trẻ em mắc chứng cận thị, tập trung chủ yếu ở đô thị. Trung bình cứ 10 học sinh thì có ít nhất 3 học sinh mắc bệnh cận thị hoặc bị các tật khúc xạ về mắt và đang có dấu hiệu tăng dần.
Điểm mâu thuẫn là trước đây các yếu tố ảnh hưởng đến thị giác như dinh dưỡng, chiếu sáng đều hạn chế nhưng tỷ lệ cận thị lại thấp hơn. Vậy đà tăng này có tỷ lệ thuận với sự phát triển cá thiết bị công nghệ?
Sự tập trung cao độ vào màn hình quá sáng khiến mắt của trẻ quen với cường độ ánh sáng phản chiếu trên màn hình, quen với với việc ngồi hàng giờ theo dõi TV, dẫn đến nhẹ nhất là loạn thị, nặng là cận thị.

Cứ 10 học sinh thì có 3 em có vấn đề về mắt. Ảnh: Threehouseeye.

Không ít bé mới 4-5 tuổi đã gắn tuổi thơ của mình với những công nghệ hiện đại này để rồi hậu quả là thị lực ngày càng giảm dần.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trẻ em chỉ nên xem TV, đồ công nghệ dưới 2 giờ mỗi ngày và cứ 20 phút phải nghỉ ngơi một lần từ 1-2 phút để không suy giảm thị lực.
Tóm lại, các bậc phụ huỳnh cần có cách quản lý rõ ràng về việc sử dụng thiết bị công nghệ của con trẻ từ thời gian đến nội dung sử dụng. Ngoài ra dành thời gian cho các hoạt động vui chơi ngoài trời, tập luyện thể thao, môn năng khiếu. Điều này giúp trẻ phát triển toàn diện hơn việc chỉ ngồi “cắm mặt” vào di động suốt 3 tháng hè.

VietBao.vn