Trang chủ Tin Tức Hội thảo khoa học Giải pháp tương tác thời gian thực...

[Trực tiếp] Hội thảo khoa học Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh

766
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 23 – VIO 2018, vào chiều hôm nay ngày 26/7/2018, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở KHCN TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học Smart City 3600 lần thứ II năm 2018 với chủ đề Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh.
Smart City 3600 là hoạt động trao đổi học thuật thường niên do Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM bảo trợ và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong các hoạt động triển khai xây dựng một đô thị thông minh (smart city), đô thị hiện đại lấy người dân làm “trung tâm của sự phục vụ”.
Hội thảo còn là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-VT (ICT) tại TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp kết nối, tương tác giữa máy tính – con người và ứng dụng vào các lĩnh vực cụ thể trong quản lý, phục vụ trực tiếp người dân và toàn xã hội như: quan trắc và đưa ra các thông tin dự báo nhanh chóng – chính xác về môi trường, thời tiết dựa trên nguồn dữ liệu đa ngành; quản lý và điều khiển giao thông trong đô thị thông minh trên nền tảng IoT; đảm bảo an ninh trật tự với các hệ thống camera quan sát có khả năng nhận diện đối tượng; hay như các hệ thống thông minh được ứng dụng trong phân tích hình ảnh (ngành y tế).
 
Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM), đại diện Ban tổ chức cho biết “điểm đặc biệt của Hội thảo Smart City 3600 là tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Hội đồng nội dung đã xem xét, lựa chọn những tham luận nổi bật, thể hiện tính ứng dụng cụ thể, thực tế trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh và công nghiệp 4.0.”
Các chuyên gia cũng thảo luận về các nghiên cứu, ứng dụng về mô hình, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường. Bên cạnh đó là các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới.
Mở đầu hội thảo, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST) sẽ trình bày tham luận với chủ đề Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí. Đây là nội dung chính trong đề tài nghiên cứu ứng dụng Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng Thành phố Hồ Chí Minh, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TP.HCM và một số vùng lân cận do Viện chủ trì thực hiện.
Giải pháp này hiện được giới chuyên gia đánh sẽ là nền tảng giúp tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống quan trắc, tính toán mô phỏng và dự báo chất lượng không khí khu vực thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.