Trang chủ Tin Tức Truyền hình Internet chập chờn, người dùng xem World Cup qua ăng-ten

Truyền hình Internet chập chờn, người dùng xem World Cup qua ăng-ten

775
Tuần qua, anh Lê Minh (quận Bình Thạnh, TP HCM) thấy bực mình khi xem World Cup bằng chiếc Smart TV mới mua. “Cứ xem được một lúc thì TV lại đứng hình, nội dung lúc nào cũng chậm đến vài phút, khi hàng xóm reo hò thì mình mới chỉ nhìn cầu thủ tấn công, cảm giác rất khó chịu. Trong khi đó, tôi đăng ký gói mạng lên đến 45 MB mỗi giây”, anh Minh bức xúc. Tương tự, anh Văn Duy (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng gặp phải tình huống khó chịu tương tự khi dùng set-top-box của một đơn vị trong nước. “Trận đấu đang hay thì bị ngắt quãng, mất hết cả cảm xúc. Tôi có gọi điện thoại lên tổng đài dịch vụ mấy lần đều nhận được câu trả lời là do sự cố hệ thống”, anh nói.
Không ít người cảm thấy khó chịu khi xem bóng đá do Internet chập chờn.
Trường hợp của anh Minh, anh Duy chỉ là hai trong số những người bị ảnh hưởng khi xem World Cup qua Internet hay IPTV. Một số trận của giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh năm nay, đặc biệt là các trận trong khung 19h, liên tục bị gián đoạn khi xem trên cả giao thức IPTV lẫn OTT, đã ảnh hưởng không nhỏ tới trải nghiệm của người xem.
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ OTT cho biết tình trạng khách hàng gặp lỗi khi xem World Cup là do hệ thống quá tải. Lưu lượng truy cập khi diễn ra các trận đấu hấp dẫn cao gấp hàng chục lần bình thường. Hiện tại, vị này cũng cho biết bộ phận kỹ thuật đã tiến hành phân luồng lại để phù hợp hơn với nhu cầu của người xem.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng không loại trừ trường hợp một số khách hàng gặp sự cố do đường truyền Internet của họ có tốc độ thấp, không đủ băng thông để xem chương trình một cách mượt mà. “Việc truy cập Internet tại một số khu vực vào giờ cao điểm ngày thường đã chậm chứ không riêng gì World Cup, do đó vấn đề này người dùng cần làm việc trực tiếp với nhà mạng hoặc nâng cấp gói cước phù hợp”, đại diện này chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề trên, một số người đã quay về giải pháp truyền thống là xem truyền hình qua ăng-ten. Duy Chính, kỹ thuật viên lắp đặt TV của một trung tâm điện máy lớn tại TP HCM, cho biết việc lắp ăng-ten có thể xem là giải pháp hữu hiệu nhất trong trường hợp xem qua IPTV hay Internet không ổn định.
Hiện một số tỉnh thành đã “khai tử” truyền hình analog để thay bằng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Thực tế, những mẫu TV từ 32 inch trở lên bán tại Việt Nam từ sau ngày 1/4/2014 đều bắt buộc phải tích hợp đầu thu DVB-T2. Theo anh Chính, cách dễ nhất để phân biệt là nhìn xung quanh TV xem có hình con mắt với ba màu Đỏ – Xanh lá – Xanh da trời. Hoặc người dùng cũng có thể kiểm tra bằng cách dò kênh TV, nếu có phần dò kênh Kỹ thuật số (Digital) tức là TV có hỗ trợ đầu thu DVB-T2.
Với những mẫu TV tích hợp sẵn đầu thu, người dùng chỉ cần mua thêm ăng-ten là có thể xem được các kênh miễn phí truyền hình số mặt đất. Loại ăng-ten trong nhà được thiết kế gọn nhẹ, dễ lặp đặt, giá rẻ nhưng phạm vi thu sóng kém nên có thể bắt được ít kênh và chất lượng kém hơn nếu ở xa vị trí đài phát. Ngược lại, ăng ten ngoài trời có khả năng thu tín hiệu sóng tốt, mạnh nhưng lại cồng kềnh, phải lắp ở nơi có độ cao như mái nhà.
Anh Minh và anh Duy sau đó đã phải chuyển qua ăng-ten để xem bóng đá mỗi tối, trong khi về khuya có thể đổi qua truyền hình Internet vì khi đó mạng Internet đã mạnh hơn.
Một số người vẫn dùng ăng-ten để xem TV trong giai đoạn Internet chập chờn.
Hiện tại, ăng-ten DVB-T2 có giá khá rẻ, từ vài chục nghìn đồng đã kèm dây cho loại dùng trong nhà, đắt hơn là loại có mạch khuếch đại giá khoảng hơn 100.000 đồng, trong khi ăng-ten ngoài trời giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Với các TV không tích hợp đầu thu DVB-T2, có thể mua bộ gắn ngoài như HV-123, LTP-1506, i-Gate, VTV HD/T2-3812… với giá bán trên 300.000 đồng.
Bảo Lâm – Đình Nam