Trang chủ Tin Tức Từ năm 2019, cấp số và thẻ an sinh xã hội điện...

Từ năm 2019, cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử trên toàn quốc

730
Cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội là 1 trong 10 nhiệm vụ được Bộ LĐTB&XH đề ra trong Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018 –  2020 “Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018 –  2020 “Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” (Đề án 708) đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) ban hành.
Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2020 là ứng dụng CNTT trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch; hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp ngườ dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về an sinh xã hội gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, BHXH, BHYT và BHTN.
Kế hoạch cũng xác định rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian từ nay đến năm 2020 để thực hiện Đề án 708, bao gồm: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp triển khai CSDL quốc gia về an sinh xã hội; Xây dựng Cổng thông tin điện tử an sinh xã hội và phần mềm đăng ký thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; Xây dựng hạ tầng CNTT và hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; Nhập liệu CSDL quốc gia về an sinh xã hội;
Quản lý, lưu trữ, bảo mật và phân phối hiệu quả CSDL thành phần và CSDL quốc gia về an sinh xã hội; Cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; Tổ chức chi trả chính sách an sinh xã hội thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ công; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và CSDL về an sinh xã hội; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về CSDL quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng CSDL về an sinh xã hội và ứng dụng CNTT trong giải quyết chính sách an sinh xã hội.
Đáng chú ý, theo kế hoạch, với nhiệm vụ cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử, thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ chủ trì, phối hợp cùng các Bộ: Công an, Tài chính, TT&TT, Y tế và BHXH và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; xây dựng số an sinh xã hội duy nhất đối với mỗi người dân, bảo đảm kết nối với mã số định danh công dân, nhằm quản lý thống nhất CSDL về an sinh xã hội; Xây dựng văn bản pháp lý quy định cấp, đổi, hủy, công năng, tác dụng thẻ an sinh xã hội điện tử.

Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH cũng chủ trì việc phát triển thẻ an sinh xã hội điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý các chính sách trợ giúp xã hội, hộ nghèo, người có công, BHTN, BHXH, BHYT. Từng bước kết nối CSDL chuyên ngành với CSDL quốc gia về an sinh xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tích hợp các loại giấy tờ công dân khác như: số hưởng trợ cấp, thẻ BHYT, sổ BHXH, mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.
Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2018 hỗ trợ thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử tại 1- 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến Quảng Ninh, Cần Thơ/Vĩnh Phúc, TP.HCM. Giai đoạn 2019 –  2020 hỗ trợ cấp số và thẻ an sinh xã hội điện  tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của an sinh xã hội.
Thông tin về tình hình đối tượng an sinh xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết, theo số liệu thống kê, đến năm 2017 đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội là gần 2,78 triệu người, chiếm 3% dân số, trong đó có hơn 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp BHXH; khoảng 96.000 người già cô đơn; 913.000 người khuyết tật và tâm thần; hơn 60.000 trẻ em mồ côi, còn lại là các đối tượng khác. Cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập, công suất nuôi dưỡng trên 42.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Hàng triệu lượt hộ gia đình  bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ đã được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đột xuất kịp thời. Hàng năm, Chính phủ dành ngân sách lớn để chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đến cuối năm 2017 cả nước còn trên 1,6 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 6,72% và 1,3 triệu hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,32%. Các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ hiệu quả. Hàng năm có hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín  dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12  triệu đồng/lượt; 29 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT miễn phí; người thuộc hộ cận nghèo tham gia mua BHYT được ngân sách hỗ trợ bằng 70-100% mệnh giá; có trên 4 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn; trên 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở…
Cũng theo Bộ LĐTB&XH, đến nay cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công; có 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trungg bình của dân cư nơi cư trú. Về đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN,  tính đến cuối tháng 10/2017, trên cả nước tổng số người tham gia BHXH, BHYT và BHTN đã đạt gần 80 triệu người, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 13,2 triệu người, BHXH tự nguyện là hơn 220.000 người, BHTN là 11,4 triệu người và BHYT là gần 80 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 85% dân số.