Trang chủ Tin Tức Uống nước vừa đủ thôi, đừng biến mình thành những người “cuồng”...

Uống nước vừa đủ thôi, đừng biến mình thành những người “cuồng” uống nước

704

Nếu bạn cần một thứ gì đó có sức mạnh như ma thuật đối với sức khỏe, nước có lẽ là lựa chọn hàng đầu: Không chứa calo, không có chất ngọt nhân tạo, không gây béo phì hoặc tiểu đường. Có những niềm tin dân gian nói rằng bạn cần phải uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày. Một số tính toán tưởng chừng khoa học, mách bạn chia cân nặng (theo kg) của mình cho 30,8 để tìm ra số lít nước cần uống. Bởi vậy, ngày càng có nhiều người biến uống nước thành một nhiệm vụ không thể thiếu trong ngày. Họ tin rằng bằng việc hoàn thành nhiệm vụ ấy, cơ thể mình sẽ được thải trừ độc tố, da sẽ được dưỡng ẩm, cân nặng sẽ giảm và đầu óc luôn tỉnh táo. Nhưng sự thực là chẳng khoa học nào giao nhiệm vụ uống đủ số lít nước cho bạn cả. Bạn chỉ nên uống nước khi khát mà thôi, vậy là đủ.

Đừng biến mình thành những người cuồng uống nước

Những người “cuồng” uống nước Cũng giống như tất cả các loại thực phẩm được cho là tốt với sức khỏe, cố gắng uống nhiều nước hơn chưa chắc đã tốt hơn. Thực tế, các bác sĩ Mỹ cũng gãi đầu gãi tai không hiểu tại sao người dân lại sùng bái nước đến vậy. Sinh viên Mỹ lúc nào cũng kè kè bên mình một chai nước, mang từ lớp này sang lớp khác. Trên bàn làm việc của những nhân viên văn phòng cũng không bao giờ thiếu chai nước. Có lẽ những người này đã đọc đâu đó thông tin, nói rằng thậm chí mất nước nhẹ cũng có thể làm giảm chức năng nhận thức. Một trong những nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất về chủ đề này chỉ ra người trẻ tuổi mất nước, tương đương từ 1% đến 2% trọng lượng cơ thể, có thể bị giảm tỉnh táo và tập trung. Hãy suy nghĩ về điều này một chút. Với một người trưởng thành nặng 68 kg, mất nước từ 1-2% trọng lượng cơ thể tương đương 0,68 cho tới 1,3 kg. Trong y học, mất nước như vậy được coi là nhẹ, Rachel C. Vreeman, phó giáo sư tại Đại học Y Indiana cho biết. Cô là đồng tác giả một cuốn sách vạch trần những lời đồn đại vô căn cứ trong y học, bao gồm cả việc khuyến cáo mọi người uống đủ 8 cốc nước một ngày. Và mặc dù bạn nghe nhiều về các nghiên cứu cảnh báo rằng kỹ năng tư duy của bạn có thể bị cản trở khi cơ thể thiếu nước, điều đó chưa chắc đã đúng. Một số nghiên cứu đã không tìm thấy khả năng nhận thức bị suy giảm ở những người đang khát. Một số nghiên cứu khác chỉ ra mọi người thường cảm thấy tỉnh táo hơn sau khi uống nước. Nhưng dường như đó chỉ là cảm giác, bởi hiệu suất làm việc thực tế của họ không có gì khác biệt với những người không uống chút nước nào. “Kết quả của những nghiên cứu này không thống nhất, ngăn chặn bất kỳ kết luận nào được đưa ra”, theo một bài báo năm 2011 trên tạp chí Nutrients. Một điều nữa cần xem xét: Ai đã tài trợ hoặc tiến hành các nghiên cứu liên quan đến nước uống? Nhiều trong số các nghiên cứu được tài trợ bởi ngành công nghiệp nước đóng chai, và họ là những người muốn bạn uống nhiều nước hơn để bán được nhiều hàng hơn.

Các bác sĩ Mỹ cũng gãi đầu gãi tai không hiểu tại sao người dân lại sùng bái nước đến vậy

Những niềm tin sai lầm Hội chứng cuồng nước đã sinh ra nhiều lời đồn đại khác nhau: Một là khi khát bạn chỉ nên uống nước lọc. Hai là nếu nước tiểu sẫm màu, đó là một dấu hiệu xấu. Ba là nếu bạn khát, bạn đã bị mất nước. Stanley Goldfarb, một chuyên gia về thận tại Đại học Pennsylvania, chia sẻ thẳng thắn rằng đó là những niềm tin sai lầm của quá nhiều người, những người cuồng tín với nước. Nếu bạn nghĩ rằng khát là một triệu chứng của việc mất nước, trừ khi bạn định nghĩa “mất nước” (một tình trạng nguy hiểm dưới góc độ y tế) đơn giản là việc cơ thể bạn có ít nước hơn so với vài giờ đồng hồ trước. Trên thực tế, khát mới chỉ là một trong số những triệu chứng khởi điểm và chưa thể nói gì về việc bạn có mất nước hay không. Các triệu chứng khác, điển hình hơn của việc mất nước bao gồm: đi tiểu ít, nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn… Còn cơn khát thông thường, chỉ là việc cơ thể muốn báo hiệu cho bạn rằng nó cần bổ sung nước. Nó không có nghĩa là chức năng nhận thức của bạn đã suy giảm và bạn không thể làm việc hay học tập nếu không uống nước ngay lúc đó. “Cơ thể nói với bạn rằng nó đang khát từ khá sớm”, Vreeman nói. Nó là một cơ chế tinh tế giúp giữ cho cơ thể hydrat hóa. Một khi não bộ nhắc bạn đang khát, bạn nên uống nước. Nhưng thường thì bạn không cần đến 8 cốc tương đương gần 2 lít mỗi ngày để thỏa mãn những cơn khát của mình, Vreeman chia sẻ sau khi dành thời gian nghiên cứu những niềm tin vô căn cứ về hydrat hóa. Thứ hai, cà phê, trà, nước trái cây, soda và sữa cũng có thể bù nước cho bạn, Goldfarb nói. Những đồ uống đó có thể chứa những thành phần khác mà cá nhân bạn muốn kiêng, chẳng hạn như caffeine hoặc đường. Nhưng tất cả chúng sẽ đưa nước vào cơ thể của bạn, không phải chỉ nước lọc mới giúp bạn bù nước. Thứ ba, mặc dù nước tiểu đậm màu có thể là dấu hiệu của những rắc rối nghiêm trọng như bệnh gan, phần lớn các trường hợp, bạn cũng không cần phải lo lắng, Vreeman nói. Nước tiểu từ màu vàng nhạt chuyển tới vàng đậm không có nghĩa là cơ thể bạn đang có vấn đề, thậm chí, có những thời điểm nước tiểu có thể đậm như nước ép táo mà vẫn bình thường. Khi nói đến chuyện nhiều người tin uống nước giúp “xả độc tố” trong cơ thể ra ngoài, thực ra thì bất cứ ai cũng luôn xả độc tố qua đường nước tiểu, chỉ cần họ có thận khỏe mạnh, Vreeman và Goldfarb nói. Uống nhiều nước vượt quá nhu cầu cơ bản của bạn cũng không giúp bạn xả được nhiều độc tố và cơ thể trở nên thanh khiết hơn. Một số người, đặc biệt là phụ nữ, tin rằng uống nhiều nước sẽ giúp dưỡng ẩm da. Nhưng thực tế thì uống nhiều nước không tạo ra sự khác biệt quá lớn đối với làn da. “Lượng nước đi vào da của bạn tương đương với một người đàn ông đứng cạnh Tháp Eiffel”, Goldfarb nói. Vreeman khuyên phụ nữ nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để ngăn khô da từ ngoài vào, sẽ hơn là uống nước để dưỡng ẩm nó từ trong ra ngoài.

Bất kỳ đồ uống nào cũng có thể bù nước cho bạn

Đối với những người uống nước để giảm cân, có một số bằng chứng xác thực hơn, Vreeman cho biết. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học quan sát thấy những người uống 1 lít nước trước bữa ăn 30 phút không chỉ ăn ít hơn trong bữa ăn đó, mà còn giảm cân nhiều hơn. Mặc dù vậy, nghiên cứu không mang tính quyết định và một số nghiên cứu khác lại không đi đến cùng một kết luận rằng uống nước trước bữa ăn giúp bạn giảm cân. Bạn nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày? Định nghĩa về hydrat hóa là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Bao nhiêu nước chúng ta cần mỗi ngày để được coi là hydrat? Liệu có phải 8 cốc mỗi ngày, tương đương gần 2 lít? Theo một công thức phổ biến khác, để tính lượng nước mà bạn cần uống vào mỗi ngày: đổi cân nặng của bạn ra pound, được bao nhiêu chia cho 2 sẽ ra số ounce nước mà bạn nên uống mỗi ngày. Về cơ bản, tính nhanh số lít nước bạn cần uống mỗi ngày = cân nặng (kg)/30,8. Nếu bạn nặng 60kg, nhẩm nhanh, bạn sẽ cần uống gần 2 lít nước, tương đương 8 cốc. Cũng theo công thức, nếu bạn là một người hoạt động nhiều, bạn sẽ cần gấp đôi lượng nước này. Thật ra, Vreeman nói, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh những con số hay cách tính trên là đúng. Thậm chí, không ai biết được những lời đồn đại này đã xuất hiện như thế nào và từ bao giờ, để đến ngày nay đã trở thành một quy tắc phổ biến. Trong cuốn sách “Don’t Swallow Your Gum!”, viết về những lời đồn đại nổi tiếng nhưng vô căn cứ về sức khỏe, Vreeman và các cộng sự của cô tại Đại học Indiana Aaron E. Carroll, phỏng đoán rằng những lời khuyên về nước uống này xuất hiện từ năm 1945, và xuất phát điểm của chúng là từ Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ. Hội đồng đã “tuyên bố rằng người trưởng thành nên uống khoảng 2,5 lít nước/ngày và hầu hết trong số này được chứa trong các loại thực phẩm“, các tác giả viết. “Nếu bạn không đọc đến phần cuối của tuyên bố đó, bạn sẽ hiểu tuyên bố này như một nhiệm vụ giao cho mỗi người uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày”. Năm 2004, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đề xuất: Nam giới nên nạp vào cơ thể 3,7 lít và phụ nữ là 2,7 lít nước từ thực phẩm và đồ uống mỗi ngày. Nhưng kỳ lạ, họ kết luận rằng lượng nước chính xác mà mọi người cần là điều mà không ai dám chắc. Trong phần cuối cùng, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ viết: “Phần lớn những người khỏe mạnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu hydrat hóa hàng ngày của mình bằng cách lắng nghe những cơn khát”. Vreeman nói, vấn đề đối với những người sùng bái việc uống nước, đó là việc đặt mục tiêu phải uống đủ 2 lít nước mỗi ngày đã ghi đè tín hiệu khát của họ, khiến bản thân mất nhạy cảm với những cơn khát khi chúng xuất hiện. Tuy nhiên, họ có thể khắc phục điều đó bằng cách uống nước đúng lúc khát, thay vì tự động uống nước tùy ý chỉ để hoàn thành mục tiêu 8 cốc của mình.

Hãy lắng nghe cơn khát của bạn, thay vì bắt mình uống nước cho đủ chỉ tiêu.

Để kết lại, không có một nghiên cứu nào nói rằng cơ thể bạn không cần nước. Và uống thừa nước, một chút, cũng không gây ra tổn thương, miễn là bạn đừng uống quá nhiều nước đến nỗi hạ natri máu, một tình trạng thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, tình trạng sức khỏe và thể chất của từng người cũng đòi hỏi những lượng nước khác nhau, Vreeman nói. Nhưng về cơ bản, những người khỏe mạnh có thể quên đi nhiệm vụ phải uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày, hoặc những con số vô căn cứ như 2,7 lít với phụ nữ và 3,7 lít với nam giới. Phải khẳng định rằng một chút khát không có nghĩa là cơ thể bạn đang tích tụ những chất độc hại. Nếu nhìn vào các nghiên cứu, bạn sẽ thấy tình trạng mất nước là cực kỳ hiếm trong các điều kiện thông thường hàng ngày, Vreeman nói. Vì vậy, trước khi uống nước, bạn nên tự hỏi bản thân mình rằng nó có đang thực sự khát hay không. Không ai giao cho chúng ta bất kỳ một nhiệm vụ nào, kiểu như bạn phải uống đủ 8 cốc hay gần 2 lít nước mỗi ngày cả. Tham khảo Tonic, Mayoclinic