Trang chủ Tin Tức Vera: Robot ảo của Nga đe dọa ngành nhân sự toàn cầu

Vera: Robot ảo của Nga đe dọa ngành nhân sự toàn cầu

749

Vera là một robot ảo có thể đảm nhiệm công việc tuyển dụng nhân sự với năng suất cao gấp 10 lần người bình thường.

Sau khi hoàn thành trôi chảy công việc tuyển dụng tại Nga cho các công ty quốc tế hàng đầu, một robot ảo mang tên Vera do các nhà khoa học từ St. Petersburg tạo ra đang rất muốn thử sức mình với môi trường đầy tính chuyên nghiệp tại Mỹ, theo RBTH.
Vera được biết đến là robot có thể hoàn thành nhiệm vụ của một nhân viên tuyển dụng nhân sự cơ bản với năng suất gấp 10 lần so với con người.
Công chúng từng hy vọng rằng các thế hệ robot mới sẽ phục vụ nhân loại các công việc chân tay, cho phép chúng ta tận hưởng thời gian rảnh rỗi. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học Nga thậm chí còn phát triển loại robot có thể làm được các công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao.
Vera có khả năng trò chuyện thông suốt với những người tìm việc, thậm chí “cô” còn hiểu được câu hỏi và đưa ra những câu trả lời đối với thắc mắc của ứng viên.
“Vera là một nhân vật ảo có thể làm việc 24/7 ở các múi giờ khác nhau, thực hiện 10.000 cuộc gọi cùng một lúc”, Vladimir Sveshnikov, đồng sáng lập Stafory – đơn vị tạo ra Vera nói với tờ RBTH.
“Không có giải pháp tuyển dụng nào ưu thế hơn Vera, khi robot ảo này có thể làm việc cả bằng giọng nói và video, cũng như thực hiện và trả lời các cuộc điện thoại”. 
Vera được phát triển ban đầu cho mục đích tuyển dụng công nhân, nhưng giờ đây “cô” đã được các công ty chuyên về công nghệ “mời về” làm khi chứng minh được tính hiệu quả.
Vera có thể phỏng vấn hàng trăm ứng viên cùng một lúc thông qua các cuộc gọi video hoặc điện thoại, sau đó khoanh vùng ra các ứng cử viên tốt nhất.
Robot đến từ Nga có thể kết hợp các công nghệ nhận dạng giọng nói từ Google , Amazon, Microsoft vàYandex, và thấu hiểu 13 tỷ từ ngữ chuyên môn của 100.000 việc làm, cũng như các từ ngữ trên TV và Wikipedia.
Người Nga thích nói chuyện với robot
Ở Nga, Vera đã tìm kiếm nhân sự cho các công ty quốc tế lớn, bao gồm PepsiCo, Coca-Cola, HBC và Raiffeisen. Tuy nhiên, để cung cấp dịch vụ của mình hiệu quả tại Mỹ, cô nàng robot này sẽ phải trau chuốt thêm về mặt ngôn ngữ.

Vera có thể được tinh chỉnh diện mạo, cách nói chuyện phù hợp theo từng yêu cầu cụ thể.

Stafory đã thực hiện hai dự án thí điểm ở Mỹ vào năm 2017, một dự án cho mạng lưới giao thông Fasten và một công ty viễn thông chưa được đặt tên.
“Mục tiêu của chúng tôi là thử nghiệm sản phẩm ở một thị trường mới”, Sveshnikov nói. “Ở Nga mọi người không ngại nói chuyện với một robot: họ nghĩ nó thật thú vị và thể hiện trình độ công nghệ của nhà tuyển dụng. Chúng tôi hiểu rằng mọi người ở Mỹ cũng cảm thấy như vậy”.
Kết quả của dự án thí điểm cho thấy lối phát âm và cách giao tiếp của Vera đã được cải thiện để chuẩn theo giọng Mỹ hơn. Nhà sáng lập Sveshnikov cho biết các điều chỉnh cần thiết đã được tiến hành và Vera đã sẵn sàng để trở thành “giám đốc nhân sự” ở quốc gia phát triển nhất thế giới.
Phong cách phỏng vấn của Vera cũng rất đa dạng, thường sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trọng tâm chính vẫn là vị trí tuyển dụng và đặc điểm của ứng viên.
“Nếu công việc dành cho những người có ít hoặc không có kinh nghiệm, ngôn ngữ của Vera sẽ gần gũi và đơn giản hơn”, Sveshnikov nói.
“Khi chúng tôi bắt đầu làm việc với một khách hàng, chúng tôi phát triển các kịch bản mới theo nhu cầu của khách hàng và tinh chỉnh Vera cho phù hợp”.
Các nhà phát triển Nga đang có kế hoạch đào tạo robot của mình liên tục, và họ tin rằng nếu được họ những điều mới mỗi ngày sau một hoặc hai năm, người ta sẽ không thể phân biệt được sự khác nhau giữa Vera và con người.