Ngày 28/7 vừa rồi, Samsung Display đã lần đầu tiên tung video về màn hình “không thể phá vỡ” của mình. Người khổng lồ Hàn Quốc trình làng tấm nền OLED dẻo hồi đầu tuần trước, khẳng định rằng tấm nền OLED nhựa đạt tiêu chuẩn UL-Certified và có thể sống sót sau nhiều lần rơi. Tuy nhiên, chỉ demo màn hình tại sự kiện ra mắt có lẽ chưa đủ, và Samsung Display đã đăng tải một đoạn video ngắn lên YouTube, cho thấy màn hình OLED bẻ cong của mình vẫn toàn vẹn không một vết xước sau khi bị “tra tấn” bởi một chiếc búa bằng cao su.
Dù nữ nhân viên của Samsung nói tiếng Hàn, video vẫn hỗ trợ phụ đề tiếng Anh để chắc chắn cả thế giới có thể tiếp cận. Không còn nghi ngờ gì, tấm nền OLED của nhà sản xuất điện thoại ứ kim chi đã tồn tại một cách xuất sắc sau nhiều cú đập bằng búa cao su. Hơn thế nữa, đó là những cú đập mạnh và đã có thể phá nát một màn hình được bảo vệ bằng kính Gorilla Glass 5 thông thường. Không chỉ bẻ cong được, tấm nền OLED mới còn sở hữu cấu trúc rất chắc chắn nhờ được bảo vệ bởi lớp màn bằng nhựa – vốn dĩ không vỡ được giống như thủy tinh. Rất có thể trong tương lai, chất nền nhựa sẽ là thước đo so sánh độ bền của một màn hình di động.
Song cũng cần phải nói thêm rằng dù Samsung “khoe mẽ” bao nhiêu về tấm nền OLED đi chăng nữa, Người khổng lồ công nghệ Seoul không phải người đi tiên phong trong công nghệ màn hình OLED bẻ cong. Motorola hay thậm chí người đồng hường LG cũng đã từng thử nghiệm với những ý tưởng tương tự để cải thiện độ bền màn hình điện thoại. Và bất kỳ nhà hóa học nào cũng biết một tấm nền bằng nhựa cũng có nhiều nhược điểm riêng chỉ có thể khắc phục được trên màn hình kính cao cấp.
Chẳng hạn, màn hình OLED bọc nhựa sẽ dễ xước hơn rất nhiều so với kính. Thêm vào đó, tăng độ bền đồng nghĩa với giảm hiệu suất, nhựa sẽ không bao giờ đạt được độ trong suốt lý tưởng hơn thủy tinh. Tấm nền OLED của Samsung nhiều khả năng sẽ được đưa vào sử dụng trên các smartphone gập được của hãng. Điều quan trọng nhất cần đảm bảo là hiệu năng hiển thị và quản lý chất lượng trong khâu sản xuất.