Netflix có phải là đối thủ đáng gờm của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT trong nước hay không? Ảnh minh họa: Internet.

Vào tháng 1/2016, Netflix – nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua Internet lớn nhất thế giới đã chính thức thông báo mở rộng đến hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vào thời điểm đó Netflix được cho là một đối thủ đáng gờm đối với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua Internet (dịch vụ OTT) trong nước, khi Netflix đang là người khổng lồ về dịch vụ nội dung theo yêu cầu có lượng người dùng lớn nhất thế giới.
Cho đến thời điểm này, sau gần 3 năm vào Việt Nam thực tế thì Netflix cũng không có số lượng thuê bao quá lớn vì nhiều lý do. Người dùng đánh giá chất lượng nội dung của Netflix khá chất, dù giá sử dụng một gói của Netflix khá cao, dao động từ 180.000 – 260.000 đồng/tháng, nhưng đa số người đang sử dụng Netflix đều cho rằng “đáng đồng tiền bát gạo”. Nếu đăng ký gói nội dung nào của Netflix thì khách hàng có thể chia sẻ để dùng trên 5 thiết bị, một thuê bao có thể chia sẻ cho bạn bè của mình cùng dùng dịch vụ này để đỡ chi phí, do đó sẽ không đắt nếu như thuê bao có người dùng chung.
Theo trải nghiệm của ICTnews, về chất lượng hình ảnh phim HD căng nét, chạy mượt mà, không quảng cáo xung quanh hay chen ngang, một trong những điều tuyệt vời nhất khi sử dụng dịch vụ xem phim online của Netflix là dù mạng có chậm thì Netflix vẫn sống khỏe. Bên cạnh đó, cũng giống như Facebook hoặc YouTube, Netflix có cơ chế đề xuất những nội dung mà người dùng ưa thích. Ví dụ, để lựa chọn những bộ phim mà mình ưa thích người dùng chỉ vào kho phim tìm và click phim đó vào danh sách yêu thích (My list), Netflix sẽ đề xuất những nội dung tương tự cho người xem.
Điểm hạn chế của Netflix có thể kể đến là người dùng cần phải có thẻ quốc tế (Visa, Master, Amex) mới có thể đăng ký được dịch vụ, với người Việt Nam thì số lượng người sở hữu thẻ tín dụng quốc tế chưa phổ biến, vì vậy khó phổ cập rộng rãi dịch vụ. Thêm vào đó, nội dung có phụ đề tiếng Việt còn ít và đa số là phim cũ. Nội dung phụ đề tiếng Anh phim mới và phong phú hơn, nhất là ở dòng phim chiếu rạp và phim bộ thì khá ít phụ đề tiếng Việt. Đây là một hạn chế khá lớn để tiếp cận với số đông người dùng Việt Nam. Chỉ những ai thích xem phim Âu Mỹ bằng tiếng Anh thì mới nên mua gói dịch vụ này.
Đối với 3 ứng dụng OTT có thu phí hiện nay của nhà cung cấp dịch vụ nội dung trong nước là Clip TV, FPT Play và MyK+ thì sao? Ông Lê Tuấn Hùng, Admin của một số Diễn đàn lớn về truyền hình cho hay, theo trải nghiệm của riêng cá nhân mình thì ông thích cách quản lý của ClipTV hơn vì có lợi cho khách hàng. Clip TV cho phép khách hàng kích hoạt bao nhiêu thiết bị cũng được chỉ cần không quá 4 thiết bị chạy cùng 1 thời điểm.

Dịch vụ FPT Play thì có cách quản lý khoa học hơn, cho phép người dùng chạy không quá 5 thiết bị chạy cùng lúc, khi đăng nhập thiết bị thứ 6 phải xóa thiết bị gần nhất để đảm bảo chỉ tối đa 5 thiết bị/tài khoản.
Dịch vụ MyK+ được người dùng đánh giá là “khắt khe” nhất khi chỉ cho đăng ký tối đa trên 3 thiết bị và chỉ có 1 thiết bị online cùng lúc, nếu người dùng muốn đăng ký thiết bị thứ 4-5 phải gọi lên tổng đài nhờ xóa thiết bị cũ.
Về nội dung, mỗi ứng dụng nói trên có thế mạnh riêng, MyK+ có các kênh thể thao K+ mua độc quyền đang khá hot như Ngoại hạng Anh và nhiều giải đấu đình đàm khác. FPT Play và Clip TV có vẻ nhiều kênh truyền hình hơn nhưng FPT chia làm nhiều gói quá: Giải trí, Phim đặc sắc, Seria và FA Cup, nếu khách hàng gia hạn tất cả các gói cước cùng lúc thì khá tốn kém.
Về chất lượng hình ảnh thì ông Hùng tạm xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là Clip TV, FPT Play, MyK+. Clip TV đứng đầu bảng vì một số kênh nén chuẩn HEVC cho hình ảnh vẫn đạt yêu cầu khi mà băng thông giảm.
Về giá thuê bao dịch vụ (một yếu tố quan trọng với người dùng), Clip TV đang chỉ có 1 gói gia đình là 50.000 đồng/tháng, mức giá này có thể nói là khá cạnh tranh. FPT như đã nói ở trên là nhiều gói cước, xem đầy đủ hết khoảng 150.000 đồng/tháng. MyK+ chỉ có gói MyK+Now gia hạn khoảng 125.000 đồng/tháng, tuy nhiên người dùng K+ chủ yếu dùng tài khoản OTT miễn phí ăn theo thuê bao truyền hình vệ tinh K+.
Nếu so sánh về nội dung, các ứng dụng OTT trong nước nói chung đều hơn hẳn Netflix ở điểm đều có các kênh truyền hình đi kèm gói dịch vụ, ví dụ MyK+ có trên 100 kênh, Clip TV và FPT Play cũng 130 kênh. Người dùng có thể xem trực tuyến các kênh truyền hình này ở bất cứ đâu. Ngoài yếu tố giá rẻ hơn, đây là điểm cạnh tranh mạnh nhất với các ứng dụng ngoại như Netflix. Tuy nhiên, kho phim VOD của các ứng dụng trong nước lại bị người dùng đánh giá là phim khá cũ và nội dung kém hấp dẫn.