Việt Nam đang nghiên cứu và tiến tới việc ban hành bộ quy tắc ứng xử cho người dùng mạng xã hội. Trước vấn đề trên, nhiều ý kiến chia sẻ đã được đưa ra về việc có nên hay không ban hành bộ quy tắc ứng xử này, và nó sẽ bao gồm những gì?
Chỉ một tin nhắn ngắn ngủi mà khiến trái tim hơn 3 vạn người trên mạng xã hội rung động
Mới đây, Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) đã tổ chức buổi toạ đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc được xây dựng với trọng tâm nhằm thiết lập một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam.
Trước vấn đề được đưa ra bởi Viện Chiến lược TT&TT, đã có nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra về việc nên hay không nên ban hành một bộ quy tắc ứng xử cho người dùng mạng xã hội. Bên cạnh đó, trong trường hợp được ban hành, các chuyên gia thắc mắc liệu bộ quy tắc này sẽ được đưa vào thực tế cuộc sống như thế nào?
Có nên ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?
Theo công bố trên tạp chí Forbes, có 2,2 tỷ người hiện đang hoạt động trên Facebook. Trong đó, có 1,45 tỷ người dùng Facebook online mỗi ngày. Trước các vấn nạn thông tin tiêu cực đang hoành hành, Facebook đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các nội dung xấu như bạo lực, khiêu dâm, lời lẽ thù địch, kỳ thị, phân biệt chủng tộc…
Có một điều đáng chú ý rằng, trong số các lời lẽ thù địch được đăng tải trên Facebook, chỉ có 38% được mạng xã hội này phát hiện. Sở dĩ công cụ của Facebook không thể phát hiện hết bởi ngôn ngữ có tính biến đổi liên tục, có những từ ngữ không được sử dụng rộng rãi. Do vậy, cái gốc để giải quyết các vấn đề nóng bỏng trên mạng xã hội vẫn là ý thức của người dùng.
Buổi toạ đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: Trọng Đạt |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) cho rằng, có rất nhiều người Việt Nam hiện đang sử dụng Facebook, thế nhưng nhà mạng Việt Nam lại không nắm được con số cụ thể.
“Dữ liệu người sử dụng là tài nguyên của Facebook. Những dữ liệu này xuất phát từ Việt Nam, vậy nó có nên là một loại tài nguyên của Việt Nam hay không?”, ông Lâm đặt vấn đề. Theo người đứng đầu Cục PTTH&TTĐT, nếu không nắm được những điều trên thì khái niệm chủ quyền trên không gian mạng rất xa vời.
Ở một khía cạnh khác, ông Lâm cho rằng trước tình trạng nghiện Facebook như hiện nay, nên có những biện pháp khuyến cáo người dùng mạng xã hội. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là việc cảnh báo người dùng nên sử dụng mạng xã hội bao nhiêu tiếng mỗi ngày.
“Thời gian sử dụng mạng xã hội liệu có phải vấn đề mà các nhà mạng cần căn cứ theo một bộ quy tắc ứng xử nào đó để thống nhất áp dụng?” ông Nguyễn Thanh Lâm đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, ông Lâm cũng đồng ý với ý kiến cho rằng, tác hại hay ích lợi của mạng xã hội phụ thuộc chính vào thái độ của người dùng.
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), “Chúng ta cần những quy tắc để tự điều chỉnh. Để phát huy quyền được biết, quyền tự do ngôn luận của người dân, phải có cơ chế tự điều chỉnh, trong đó dựa vào bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”.
Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT), Bộ quy tắc cần hướng tới vấn đề đạo đức, không nên nhắc đến những điều quá to tát như quảng bá hình ảnh đất nước, con người. Ảnh: Trọng Đạt |
Người dùng mạng xã hội trước hết phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu ai đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân tổ chức thì sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, có một số vấn đề như việc đăng tải các lời lẽ kỳ thị, phân biệt chủng tộc, giới tính,… không thể quy định bằng pháp luật. Chúng được khống chế bởi các tư tưởng đạo đức, do đó dẫn đến việc cần hình thành một bộ quy tắc ứng xử chung.
Đây chỉ là bước khởi đầu để cả xã hội thấy rằng đã đến lúc chúng ta cần một bộ nguyên tắc chung, cùng ký kết một bộ quy tắc chung trên không gian mạng, ông Phúc chia sẻ.
Làm thế nào để đưa Bộ quy tắc ứng xử vào đời sống?
Trước vấn đề đưa bộ quy tắc ứng xử vào đời sống, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) cho rằng nên xác định phạm vi của bộ quy tắc, không nên trộn lẫn các nhóm đối tượng.
“Chúng ta cần tác động đến yếu tố nhận thức, trách nhiệm trước khi vạch ra các yếu tố hành vi. Vì đây là các thoả thuận, cần nói đến trách nhiệm và quyền của công dân, các chuẩn mực về đạo đức, trách nhiệm của bản thân mỗi người khi tham gia vào các tổ chức”
Cũng theo vị đại diện này, trong bản dự thảo của mình, Viện chiến lược đặt ra các mục tiêu hơi quá rộng. “Bộ quy tắc muốn sống được thì phải được thừa nhận và sử dụng chung, vì vậy cần hướng tới vấn đề đạo đức, không nên nhắc đến những điều quá to tát như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…”, đại diện Vụ Pháp chế chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TT&TT) cho rằng, bộ quy tắc phải hết sức ngắn gọn để có thể đi vào lòng người nghe. Ảnh: Trọng Đạt |
Đồng quan điểm với điều này, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TT&TT) cho rằng bộ quy tắc phải hết sức ngắn gọn để có thể đi vào lòng người nghe, khiến tự bản thân họ suy nghĩ xem thế nào là nên làm và không nên làm.
“Bộ quy tắc chỉ điều hành, điều chỉnh những gì pháp luật chưa có. Đạo đức là biện pháp ngăn ngừa để hướng người ta tới cái tốt, tránh xa cái xấu, còn luật là dùng để xử phạt”, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Theo ông Tiến, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ bộ quy tắc ứng xử là người dùng cuối. Do vậy, ông Tiến cho rằng ai ban hành không quan trọng, điều quan trọng là nội dung bộ quy tắc ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của mọi người. Trước vấn đề này, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam đề xuất cần tổ chức một buổi hội thảo có sự tham gia góp ý của các hội, hiệp hội để có thêm nhiều ý kiến sát với thực tế.
Nhìn chung, đại diện các chuyên gia, đơn vị quản lý đều đồng ý rằng, trên cơ sở một bộ quy tắc chung, phải có quy tắc ứng xử riêng. Quy tắc này dành cho các cơ quan, tổ chức và từng đối tượng công chúng cụ thể. Ví dụ như các quy tắc trong gia đình, tại trường học, các quy tắc riêng dành cho đối tượng công chức, lực lượng vũ trang… Đây là cách để đưa bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đi vào đời sống.
Trọng Đạt
VietBao.vn