Trang chủ Tin Tức Việt Nam đã cấp phép tới 360 mạng xã hội nhưng vẫn...

Việt Nam đã cấp phép tới 360 mạng xã hội nhưng vẫn bị Facebook, Google áp đảo

688
Hiện có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép hoạt động

Về đánh giá hoạt động cung cấp, sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép và đang hoạt động. Trong số các mạng xã hội cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, Facebook, YouTube, Facebook Messenger, Zalo, Google+ là những trang có số lượng người sử dụng đông đảo nhất.
Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, hầu hết các nhà cung cấp mạng xã hội của Việt Nam hoạt động theo dạng diễn đàn, không được ưa chuộng so với các trang mạng xã hội nước ngoài có nhiều ứng dụng nổi trội hơn hẳn nhờ cấu trúc mạng xã hội phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao. Hầu hết đây là các tập đoàn toàn cầu nên có khả năng nội địa hóa cao các dịch vụ khi cung cấp tới các thị trường khác nhau, phá vỡ những ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ, quốc gia.
Về người sử dụng mạng xã hội, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số, trong đó, số lượng người sử dụng mạng xã hội qua di động xấp xỉ 50 triệu người. Chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như đã nói là Facebook, YouTube, Zalo,…

Ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho hay,  theo thống kê của We are social, trung bình một ngày, một người Việt Nam mất khoảng 2,5 giờ cho mạng xã hội. Có thể thấy, thông tin trên các trang mạng xã hội ngày càng đa dạng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, ở đây người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, với tốc độ nhanh chóng, nội dung phong phú, đa dạng. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội là nơi giúp cho việc lan truyền các thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng hơn.
“Trong xã hội nói chung, trong mạng xã hội nói riêng, cái xấu và cái tốt luôn tồn tại cùng nhau. Chúng ta không thể tiêu diệt được hoàn toàn cái xấu, mà chỉ có thể dùng cái tốt để lấn át cái xấu, dùng tích cực để hạn chế tiêu cực. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chính là công cụ mềm hỗ trợ cho các quy định của pháp luật để ngăn chặn ở mức độ cao nhất những mặt trái, mặt tiêu cực và thúc đẩy những mặt tốt, mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại”, ông Đỗ Quý Vũ nói.
Theo ông Đỗ Quý Vũ, việc đề xuất các nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dựa trên quan điểm phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân. Không đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng. Không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước. Thông tin do các tổ chức của Việt Nam cấp cho người sử dụng dịch vụ là tài nguyên số của Việt Nam, phải được bảo mật theo các quy định của pháp luật Việt Nam.