Trang chủ Tin Tức Việt Nam là thị trường tiềm năng của mã độc

Việt Nam là thị trường tiềm năng của mã độc

769
Tại tọa đàm Nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại theo Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra chiều ngày 11/6 ở Hà Nội, ông Trần Quang Hưng, chuyên gia của Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Việt Nam thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp mã độc. Trong hầu hết các báo cáo lớn về tình hình an ninh mạng khoảng 10 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong những nước bị lây nhiễm mã độc nhiều nhất trên thế giới, Thống kê 5 tháng đầu năm 2018 của Cục An toàn thông tin cũng cho thấy, có tới 19.555.158 lượt địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet lớn nhất thế giới.
Những loại mã độc phổ biến ở Việt Nam.
Chuyên gia này cho biết, bên cạnh mặt nổi của phần mềm độc hại mà chúng ta thấy và xử lý hàng ngày hàng giờ, thì còn “phần chìm của tảng băng” với mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều, âm thầm hoạt động trên thiết bị, đánh cắp thông tin và không có biểu hiện gì để nạn nhân hay biết như mã độc gián điệp, trojan, mạng botnet điều khiển tấn công có chủ đích… Sau khi đạt được mục đích, chúng sẽ thực hiện hành vi phá hủy dữ liệu chỉ sau một vài click chuột.
Còn theo thống kê của Bkav, tỷ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam luôn ở mức rất cao khi mỗi năm có trên 60 triệu lượt máy tính bị nhiễm mã độc. Thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng tăng từ từ 8.500 tỷ đồng năm 2014 lên 12.300 tỷ đồng năm 2017. Các loại mã độc phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là virus lây nhiễm qua USB, virus đào tiền ảo, mã hóa dữ liệu, phần mềm gián điệp và mã độc tấn công APT.
Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam vẫn đáng báo động
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Bkav, nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc ở mức cao là do nhận thức về an ninh mạng, virus máy tính dù đã được nâng cao nhưng chưa biến thành hành động cụ thể, tỷ lệ máy tính sử dụng phần mềm có bản quyền còn thấp, không được bảo vệ tự động khi sử dụng USB, truy cập web, mở file từ email.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho hay cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp tấn công mã độc, mà giải pháp đã có nhưng không phản ứng kịp thời trong việc phát hiện và phân tích gỡ bỏ. Theo ông có hay nguyên nhân chính. Thứ nhất là tỷ lệ phần mềm nói chung và phần mềm diệt virus nói riêng có bản quyền còn thấp. Thứ hai, người dùng mua phần mềm bảo mật không đúng loại, ví dụ thay vì mua bản Internet Security, họ chỉ mua bản Antivirus vốn không có tính năng tường lửa và không chống virus lây nhiễm qua mạng, chỉ dành cho máy không nối mạng. Việc sử dụng chưa đúng phần mềm khiến máy tính không được bảo vệ hiệu quả, gây lãng phí.
Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ cài đặt phần mềm trái phép cao nhất. Nguồn: BSA
Trong khi đó, sáng ngày 12/6 tại Hà Nội, Liên minh Phần mềm toàn cầu BSA đã công bố kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam lên tới 74%, tuy đã giảm 4% so với năm 2016. Dù ở mức cao, con số này cũng cho thấy nỗ lực của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam trong việc hạ tỷ lệ vi phạm từ 85% của năm 2009. Trong khi đó, tỷ lệ cài đặt phần mềm trái phép trên toàn cầu vẫn ở mức báo động là 37% dù đã giảm 2% so với hai năm trước.
“Tỷ lệ vi phạm cao không chỉ làm trì trệ nền kinh tế địa phương do sự tụt hậu trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mà còn cản trở sự tăng trưởng lợi nhuận của công ty và gây ra những rủi ro về bảo mật chưa từng thấy”, đại diện BSA khuyến cáo.
Bà Sheryl Lee, Cố vấn khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA, công bố tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Với mức trung bình 57%, châu Á – Thái Bình Dương và Trung – Đông Âu là hai khu vực có tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền cao nhất trong 6 khu vực mà BSA và IDC phối hợp nghiên cứu. Bắc Mỹ có tỷ lệ vi phạm thấp nhất với 16%.
Các Giám đốc CNTT tham gia khảo sát cũng dần nhận thấy việc sử dụng phần mềm trái phép ngày càng tốn kém và gây nhiều rủi ro, bởi khi bị lây nhiễm mã độc, hoạt động công ty có nguy cơ bị tạm dừng, thương hiệu bị ảnh hưởng, trong khi chi phí cho việc xử lý phần mềm độc hại tăng lên. Trung bình, mỗi cuộc tấn công của phần mềm độc hại có thể tiêu tốn của công ty 2,4 triệu USD và 50 ngày khắc phục.
Châu An