Trang chủ Tin Tức Xâm phạm sở hữu trí tuệ trong giới công nghệ – không...

Xâm phạm sở hữu trí tuệ trong giới công nghệ – không riêng ở Việt Nam

819
Những ngày qua, giới công nghệ Việt Nam xôn xao về việc Fiin và vaymuon.vn, hai startup nền tảng cho vay P2P tranh chấp nhau về vấn đề sở hữu trí tuệ sản phẩm. Tại Việt Nam, các công ty công nghệ đã bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc bảo vệ sức lao động, chất xám của mình.
Thế nhưng thực trạng này không phải mới và vẫn tồn tại nhức nhối trong giới công nghệ. Đến nỗi, khi nhắc đến Apple, người ta sẽ nghĩ ngay đến một tập đoàn chuyên dính phải những vụ kiện trăm triệu USD. Hay như Mark Zuckerberg thành công với Facebook cũng từng bồi thường 65 triệu USD vì ăn cắp ý tưởng mạng xã hội từ đối tác.

Nhờ lập trình phần mềm và mất luôn ý tưởng

Facebook có thể là trường hợp điển hình nhất cho việc nhờ bên thứ ba gia công và mất luôn ý tưởng sản phẩm. Tháng 11/2003, ba người sáng lập ConnectU mời Mark Zuckerberg lập trình phần mềm và cơ sở dữ liệu cho nền tảng mạng xã hội của họ. Cặp song sinh yêu cầu Zuckerberg phải hoàn thành trước tháng 6/2004 và anh ta đã đồng ý.

Được nhờ lập trình phần mềm, Mark Zuckerberg chiếm luôn ý tưởng của khách hàng. Ảnh: Wired.

Thế nhưng, ông chủ Facebook đã không làm như thế. “Việc hợp tác đã gặp trục trặc. Zuckerberg chưa bao giờ có ý định hoàn tất mã chương trình, thay vào đó, anh ta muốn phá bỏ thoả thuận, ăn cắp ý tưởng về website kết nối Harvard. Và sự thật là Zuckerberg đã làm thế”, anh em nhà Winklevoss viết trong thư tố cáo.
Không những đã đánh cắp ý tưởng cùng những đoạn mã tạo nên trang web, Zuckerberg còn bị tố là đã trì hoãn sự ra đời của ConnectU để thefacebook.com, mạng xã hội của Zuckerberg có thể ra mắt công chúng trước một bước.
Tháng 2/2004, Facebook ra mắt người dùng. Ba tháng sau, ConnectU cũng chính thức xuất bản trang web của mình. Kết quả của “trò bẩn” này, Zuckerberg phải bồi thường 65 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu cho anh em nhà Winklevoss.

Bo cong điện thoại, vuốt mở khóa, biểu tượng ứng dụng cũng là tài sản trí tuệ

Năm 2017, sau nhiều năm kiện cáo bản quyền sáng chế tính năng “trượt để mở khóa” dành cho thiết bị di động, Apple được xử thắng kiện Samsung 120 triệu USD.

Apple cho rằng thiết kế chữ nhật bo 4 góc là đặc trưng nhận diện sản phẩm của mình. Ảnh: Phonearena.

Vụ kiện này khởi phát từ năm 2014 khi Apple kiện Samsung vì sử dụng tính năng “trượt để mở khóa” và liên kết nhanh.
Tuy nhiên, đây không phải dấu chấm hết cho các tranh chấp pháp lý giữa Apple và Samsung, mà chỉ khép lại một vụ kiện giữa hai công ty. Ngoài “trượt để mở khóa” Apple còn kiện Samsung “ăn cắp” thiết kế hình chữ nhật bo tròn, khung viền máy và cách sắp xếp các icon trên màn hình theo dạng lưới để đưa lên 11 dòng điện thoại của mình.

Sống và mạnh nhờ bằng sáng chế

Ba cái tên nổi tiếng với kho bằng sáng chế lên đến chục ngàn hiện nay là Nokia, Huawei và Blackberry. Hiện Nokia đang nắm giữ hơn 10.000 bằng sáng chế công nghệ và vẫn tiếp tục đầu tư sở hữu thêm những bản quyền công nghệ mới.
Số lượng bản quyền công nghệ mà Nokia đang nắm giữ mang lại cho hãng điện thoại Phần Lan hơn 500 triệu euro mỗi năm nhờ vào phí bản quyền cấp lại cho các hãng bên ngoài.
Trong vụ kiện khác giữa Facebook và “dâu đen”, hãng điện thoại cho rằng mạng xã hội này đã sao chép các tính năng và công nghệ từ BlackBerry Messenger.
Đáp lại đơn kiện này, Facebook cho rằng Blackberry đang cố “làm tiền” từ bộ sưu tập bằng sáng chế của mình thay vì nỗ lực đổi mới để cứu vãn tình hình kinh doanh lao dốc. Blackberry đang sở hữu 40.000 bằng sáng chế toàn cầu bao gồm hệ điều hành, cơ sở hạ tầng mạng, âm thanh, nhắn tin, an ninh mạng hay truyền thông không dây.

Blackberry hiện sở hữu 40.000 bằng sáng chế toàn cầu. Ảnh: PhoneDog.

Trước đó, công ty này cũng kiếm được 940 triệu USD từ Qualcomm sau khi một ủy ban trọng tài xác nhận rằng nhà thiết kế chip nợ tiền BlackBerry để giải quyết một cuộc chiến về phí bản quyền.
Tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, Samsung vốn là một thương hiệu phát triển khá mạnh mẽ và được ưa thích. Đây cũng chính là lý do quan hệ giữa Samsung và chủ nhà Huawei căng thẳng hơn bao giờ hết.
Samsung và Huawei đã nhiều lần đưa nhau ra tòa vì vấn đề bản quyền sáng tạo. Tuy nhiên lợi thế đang nghiêng về phía Huawei khi tập đoàn này đang nắm hơn 50.000 bằng sáng chế về công nghệ viễn thông. Điều này khiến Samsung có thể bị kiện bất cứ lúc nào nếu vi phạm.

Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng ăn cắp tài sản trí tuệ

Trước làn sóng đưa những kỹ sư tài năng làm việc tại Mỹ về đầu quân cho các công ty công nghệ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/5 cũng thông báo việc đang lên kế hoạch rút ngắn thời hạn hiệu lực đối với visa của các nghiên cứu sinh Trung Quốc học các ngành công nghệ cao.

Các nghiên cứu sinh Trung Quốc thuộc lĩnh vực công nghiệp robot sẽ bị Mỹ rút ngắn thời hạn visa. Ảnh: Reuters.

Theo AP, thay đổi trên có hiệu lực kể từ ngày 11/6. Động thái này thể hiện sự quyết liệt của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch ngăn chặn hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ của Bắc Kinh.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết thị thực của các nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực như công nghiệp robot, hàng không, và sản xuất công nghệ cao sẽ bị giới hạn giá trị xuống một năm. Đây là những ngành cốt lõi trong chiến lược thống trị công nghệ thế giới “Made in China 2025” của Trung Quốc.