Trang chủ Tin Tức Yếu tố kiến tạo thành công về đổi mới và khởi nghiệp...

Yếu tố kiến tạo thành công về đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Nhật Bản

805
Theo lãnh đạo cơ quan quản lý khởi nghiệp sáng tạo Nhật Bản, thông qua việc đẩy mạnh đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, các mục tiêu mà Nhật Bản hướng tới là tạo thêm việc làm; từng bước thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, tăng thêm những lĩnh vực sản xuất mới; tăng năng suất lao động; nâng cao hiệu quả của nền kinh tế; tạo động lực phát triển mới trong thời đại công nghiệp 4.0…Chỉ có đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, thành công rực rỡ mới giúp nền kinh tế Nhật Bản lấy lại vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới đã bị Trung Quốc soán ngôi.
Vậy những yếu tố nào giúp cho quá trình đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của Nhật Bản thành công? Từ các cuộc làm việc với nhiều cơ quan chức năng của Nhật Bản, kết hợp với quan sát thực tế và tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của Nhật Bản trong thời gian qua, có thể nhận diện một số yếu tố chính như sau:
Mô hình Cà phê khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tại Fukuoka-Nhật Bản. (Ảnh: Tô Nguyễn)

Thứ nhất là: Chính phủ Nhật Bản xem đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo là mục tiêu cao cả và mong muốn lan tỏa điều đó trong xã hội. Theo lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), để phát triển khởi nghiệp sáng tạo, một trong những yêu cầu đầu tiên là phải tạo sự thay đổi trong suy nghĩ của mỗi người về tầm quan trọng của đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo. Sự thay đổi đó nên bắt đầu trong lĩnh vực giáo dục. Các thầy cô giáo phải dạy học sinh từ khi các em còn nhỏ về tinh thần đương đầu với khó khăn và giành lấy thành công. Học sinh thường xuyên đặt câu hỏi để người lớn, thầy cô giáo trả lời. Người Nhật đã làm điều này từ rất lâu. Năm 2003, trong chuyến công tác đến Nhật Bản tham dự Chương trình giao lưu báo chí ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26, chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh các em học sinh bậc tiểu học đã thay nhau “quay” các nhà báo bằng hàng loạt câu hỏi. Ở Nhật, nếu em bé bị té ngã sẽ phải tự đứng lên, cha mẹ hay mọi người xung quanh sẽ không lao đến đỡ dậy như hình ảnh chúng ta thường thấy ở Việt Nam. Thông điệp mà người Nhật đưa ra là: phải tự đứng lên để có thể trưởng thành và trụ vững trong sóng gió cuộc đời!
JICA là cơ quan của Chính phủ Nhật Bản có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các nước đang phát triển, hướng tới xây dựng một thế giới tự do, hòa bình và thịnh vượng. Từ tháng 7/2017, JICA đặt ra tầm nhìn mới định hướng các hoạt động của mình: Hướng tới một thế giới kết nối bằng lòng tin. Để triển khai tầm nhìn mới, JICA đặt ra 5 tinh thần hành động, trong đó tầm nhìn thứ 4 là: Đồng kiến tạo (Kết hợp các nguồn lực và trí tuệ đa dạng của nhân loại) và tầm nhìn thứ 5 là Đổi mới sáng tạo (Đổi mới để mang lại những tác động chưa từng có).
Thứ hai là: Trong quá trình đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo phải có sự hỗ trợ hữu hiệu của Chính phủ. Trong những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt tập trung vào lĩnh vực khoa học-công nghệ. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách và các hoạt động cụ thể nhằm xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo; kết hợp với các doanh nghiệp để tạo ra nguồn vốn lớn; huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non yếu.
Phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khởi nghiệp sáng tạo đều là những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ, vốn ít, nhân sự hạn chế, chủ yếu đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ. Các cơ quan chức năng Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã kinh doanh thành công; kết nối để họ có thể kịp thời hỗ trợ kinh nghiệm, phương thức quản trị…cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba là: Vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc tạo ra cảm hứng đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo; góp phần xua tan tâm lý sợ thất bại trong quá trình đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo. Tâm lý chung của nhiều người Nhật là không thích mạo hiểm, nhất là khi họ đã có một chỗ làm ổn định, đặc biệt là làm cho những công ty, tập đoàn nổi tiếng thế giới như: Honda, Toyota, Toshiba, Sony…Lãnh đạo cơ quan phụ trách về khởi nghiệp sáng tạo thuộc METI của Nhật Bản cho biết, trước đây rất ít trường hợp kỹ sư đang làm việc cho một trong những tập đoàn lớn của Nhật dám nghỉ việc để ra mở công ty khởi nghiệp. Chỉ cần vị kỹ sư đó bày tỏ ý định, những người đầu tiên sẽ ngăn cản chính là mẹ và vợ vì họ không muốn người thân của mình có thể gặp thất bại khi cuộc sống đang yên ổn.
Nhưng hiện nay, tâm lý sợ thất bại trong khởi nghiệp sáng tạo đang dần thay đổi. Ngày càng có nhiều người chấp nhận từ bỏ công việc tại các công ty, tập đoàn lớn để thành lập công ty riêng hoặc tham gia vào đội ngũ quản lý của những doanh nghiệp khởi nghiệp. Những câu chuyện khởi nghiệp thành công ngày càng được nhiều kênh báo chí-truyền thông quảng bá hơn. Bên cạnh sự tác động của báo chí-truyền thông, sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp đã khuyến khích người Nhật ngày càng dám đương đầu với thất bại để vươn tới thành công.
Ngoài ra, lãnh đạo cơ quan thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo Nhật Bản cũng cho rằng, cần tăng cường thông tin, quảng bá trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng để ngày càng có nhiều người biết và tham gia các hoạt động đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo. Sự lan tỏa đó sẽ mang lại cảm hứng đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ hơn; đẩy lùi tâm lý sợ thất bại, không dám đối diện với khó khăn, thử thách của người Nhật.
Thứ tư là: Tạo ra sự kết nối giữa Chính phủ – Doanh nghiệp – Trường đại học – Quỹ đầu tư mạo hiểm. Muốn có một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành công, không thể thiếu sự gắn kết giữa 4 “nhà” này.
Đến nay, nhiều trường đại học của Nhật Bản đã thiết lập các quỹ để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Tại Đại học Tokyo có hàng trăm công ty khởi nghiệp liên kết với trường, tổng số vốn hóa thị trường lên đến hàng trăm triệu USD. Nhiều sinh viên Nhật Bản đang cố gắng khởi nghiệp ngay khi còn đang đi học.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm Nhật Bản đã đầu tư với mức kỷ lục là 70,9 tỷ Yen vào năm 2017, tăng vọt so với năm 2011 chỉ đạt 1,2 tỷ Yen.
Thứ năm là: Thu hút sự quan tâm, tham gia khởi nghiệp sáng tạo từ khu vực tư nhân. Trước đây chỉ có chính quyền tổ chức nhưng hiện nay tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào quá trình khởi nghiệp sáng tạo.
Theo báo cáo của Financial Times, trích dẫn dữ liệu từ Japan Venture Research cho biết, những startup thuộc sở hữu tư nhân đã huy động được gần 272 tỷ Yen (tương đương 2,5 tỷ USD) trong năm 2017, tăng mạnh so với khoảng 64 tỷ Yen (tương đương 604 triệu USD) trong năm 2012.
Thứ sáu là: Xây dựng một trung tâm/thành phố khoa học và biến những kết quả nghiên cứu từ những nơi này trở thành dự án khởi nghiệp sáng tạo. Tại Nhật Bản, Thành phố khoa học Tsukuba là dự án quốc gia được thực hiện trên một khu vực trải rộng 6 km từ Đông sang Tây và 18 km từ Bắc xuống Nam ở phía Nam tỉnh Ibaraki. Khu vực rộng 2700 ha này được phát triển thành một thành phố khoa học với sự quy hoạch bài bản bao gồm các nhà ở lân cận, các cơ sở giáo dục và thương mại, các văn phòng, các phòng thí nghiệm và nghiên cứu quốc gia.
Thành phố khoa học Tsukuba được thành lập nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học- công nghệ và đào tạo, di chuyển một phần dân cư khỏi Tokyo. Hiện Tsukuba được phân ra làm 2 vùng chính là vùng nghiên cứu hàn lâm và vùng phát triển ngoại vi. Trong đó, vùng nghiên cứu hàn lâm có nhiều cơ quan thử nghiệm, nghiên cứu quốc gia và các cơ sở có tính chất hàn lâm như: Các trường đại học, các phương tiện thương mại và kinh doanh, nhà trung tâm với phòng đợi công cộng, cửa hàng trung tâm, nhà ở. Vùng phát triển ngoại vi là vùng công nghiệp và nghiên cứu với 115 công ty và 9 tổ chức nằm trong các khu, gồm: Công viên nghiên cứu Tokodai, Công viên công nghiệp Tây Tsukuba, Công viên công nghiệp Bắc Tsukuba, Công viên nghiên cứu Hanari Tsukuba, Công viên công nghệ Toyosato Tsukuba, Công viên công nghệ Oho Tsukuba. Thành phố khoa học Tsukuba có 8 cơ quan hoạt động nghiên cứu và giáo dục, 5 cơ quan về xây dựng, 16 cơ quan về kỹ thuật và khoa học, 16 cơ quan về sinh học, 1 cơ quan về nghiên cứu thông tin và gần 200 cơ sở nghiên cứu riêng.
Thành phố khoa học Tsukuba ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nhật Bản và có nhiều ảnh hưởng tích cực trong khu vực. Khi có những thành quả khoa học, các nhà nghiên cứu có thể mang đến Tokyo để khởi nghiệp sáng tạo. Nhờ đó, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học Nhật Bản đã trở thành doanh nhân thành đạt một cách dễ dàng.
Đây là một đặc trưng của Nhật Bản mà TP.HCM có thể học hỏi, rút kinh nghiệm khi quy hoạch, xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.
Thứ bảy là: Mô hình khởi nghiệp tốt cần có các yếu tố như: Nhân sự (đào tạo, cung cấp kiến thức chuyên môn); Vốn (nhu cầu huy động vốn ngày càng lớn; tạo quỹ phòng ngừa rủi ro với sự tham gia của các ngân hàng); Hệ sinh thái (tạo ra lĩnh vực chuyên về khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu cùng làm việc, cùng hưởng).
Các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo chính nên tập trung gồm: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong thời đại công nghệ 4.0; phát triển robot, các ngành vật liệu mới; chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, IoT (Internet vạn vật), phần mềm doanh nghiệp…
Thứ tám là: Tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài. Một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Nhật Bản là thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Do rào cản ngôn ngữ, các doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật Bản thường có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa nhiều hơn là hướng ra các nước. Còn các đối tác nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn khi muốn vào thị trường Nhật Bản. Do đó, cần phá vỡ rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa giữa Nhật Bản và các nước.
Chính phủ Nhật Bản cũng tìm cách giảm bớt các điều kiện về thị thực và có nhiều ưu đãi hơn đối với người nước ngoài để khuyến khích họ khởi nghiệp sáng tạo tại Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản cũng xem xét thay đổi các quy định về định cư nhằm tạo thuận lợi cho những sinh viên nước ngoài tài năng ở lại làm việc hoặc khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng kinh doanh tại đất nước này.
Với sự nỗ lực không ngừng nhằm tạo ra hàng loạt thay đổi về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được biến thành các dự án khởi nghiệp thành công, mang lại nhiều thành quả cho nền kinh tế và tạo ra động lực mới, khơi dậy tinh thần đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của người dân Nhật Bản. 
theo Thanhuytphcm.vn