Trang chủ Tin Tức #ZingReview: Đánh giá Huawei P20 Pro – đã đến lúc bỏ máy...

#ZingReview: Đánh giá Huawei P20 Pro – đã đến lúc bỏ máy ảnh ở nhà?

715
ăm 2016, cầm chiếc P9 trên tay và chụp ảnh ở Hội An, tôi đã thấy những cố gắng đầu tiên của Huawei, dù khá vụng dại: Một chiếc điện thoại khá rắn chắc và liền lạc được gắn chữ Leica trên ống kính, camera kép, chụp ảnh đen trắng, có chế độ “xoá phông”.

Khi đó, ảnh từ chiếc P9 cũng không đến nỗi tệ. Leica dường như chỉ hợp tác ở mức đưa ra những bộ lọc màu đặc trưng cho chiếc P9 chứ không đả động gì thêm. Thuật toán làm mờ hậu cảnh khi đó chưa nhận diện được chính xác vật thể và còn rất “lem nhem”.
Tôi nhanh chóng chia tay chiếc P9 vì còn nhiều mẫu di động khác đột phá hơn, và quan trọng là ở thời điểm đó, camera trên smartphone nói chung chưa đủ khiến tôi an tân để quẳng chiếc máy ảnh ở nhà. 
Tôi có sản phẩm này hơi trễ so với những đồng nghiệp phương tây như The Verge hay Engadget. Đọc bài đánh giá của họ, tôi có chút hơi bất ngờ bởi một chiếc smartphone đến từ Trung Quốc lần đầu được ca ngợi như một bom tấn thực thụ. Tôi thấy Vlad Savor mang nó đi khắp nơi và khoe trên Twitter, điều mà tay viết này chưa từng làm với một chiếc điện thoại từ Trung Quốc.
Những cảm xúc ban đầu khá tốt đẹp. Cầm chiếc điện thoại trên tay, lau bớt đi lớp mồ hôi, một thiết bị có mặt lưng “kỳ lạ” xuất hiện. Tôi chưa từng thấy mặt lưng xanh nào có thể chuyển nhẹ sang màu tím như trên chiếc điện thoại này (dù trước đó HTC đã cố làm với chiếc U11). Nó bóng bẩy và đặc biệt sexy ở cách đặt các dòng chữ Leica – Vario Summilux – H1: 1.6-2.4/27-80 ASPH, dóng ngang với cụm camera 3 ống kính đặt dọc, phía xa là chữ Huawei với font chữ hiện đại, thoát khỏi những đường nét gán mác Trung Quốc.

Tổng thể, mặt lưng của nó thực sự toát lên dáng vẻ của một chiếc smartphone chụp ảnh. Và mọi chiếc ốp lưng dường như không phù hợp để gắn vào.
Những gì đẹp đẽ nhất trong thiết kế đã được Huawei dồn vào mặt lưng. Ở chính diện, hãng vẫn duy trì một dáng vẻ an toàn quen thuộc, với phím Home cứng, cạnh trên hơi khuyết vào nhưng chỉ vừa đủ để ôm lấy camera và loa thoại, không cố ý bắt chước theo iPhone X hay tỏ ra kệch cỡm như những model Android có phần notch lớn.
P20 Pro không có hệ thống nhận diện tiên tiến như FaceID của iPhone X, và tỏ ra vội vã khi ghi nhận mẫu gương mặt. Tôi không hề yên tâm với cách mở khoá này, và thực sự nó chưa làm tốt trong điều kiện thiếu sáng. Tuy nhiên, nhờ vẫn còn phím home, cảm biến vân tay vẫn ở đó để đảm bảo dữ liệu của bạn được an toàn.


Từ một người dùng iPhone chuyển sang Huawei P20 Pro, tôi cảm thấy còn chút may mắn bởi những thao tác quen thuộc của mình trên iOS vẫn có tác dụng bên một chiếc di động Android.
Tôi vuốt nhẹ ngón giữa màn hình, thanh search hiện ra (rất giống Spotlight), gạt qua trái để truy cập vào các widget và ứng dụng gần đây. Nhưng AppDrawer vẫn còn đó và trung tâm thông báo vẫn có thể được “triệu hồi” bằng cách vuốt từ mép trên. Đây là hai dấu hiệu còn sót lại từ Android. Có thể thấy giao diện của P20 đã học hỏi iOS, nhưng không bắt chước hoàn toàn.
Tuy vậy, học hỏi không có nghĩa bạn làm tốt. Tôi thực sự không có thiện cảm với bộ icon trên P20 Pro. Nó không hoàn toàn “phẳng” và còn chút gradient lẫn đổ bóng. Đó là một cách thiết kế rất nửa mùa và “kém sang”. Dù Huawei có hỗ trợ đổi giao diện, nhưng bộ icon vẫn không cải thiện là bao. Tôi hy vọng hãng sẽ sớm phát hiện ra vấn đề này và cập nhật phần mềm cho máy.  
Những điểm còn lại về giao diện, tôi không quá bận tâm bởi nó gần như tương đồng với những máy Android thông thường. Có điều, bạn được cung cấp một tính năng “ngầu hơn”, đó là dùng bất kỳ khớp ngón tay nào gõ vào mặt kính để chụp màn hình, không cần nhấn phím nguồn và giảm âm lượng như trước. 

Nếu mua chiếc P20 Pro, có lẽ tôi chỉ dùng nó để chụp ảnh và không cần đụng tới các tính năng khác. Chiếc di động này có thể khiến bạn “wao” ngay từ bức ảnh đầu tiên (với điều kiện bạn là người đã có kinh nghiệm chụp ảnh).
Ở chế độ chân dung, có bật tuỳ chọn “ảo hoá nghệ thuật”, máy cho khả năng xoá phông đáng kinh ngạc. Vùng trường ảnh bị làm mờ rất mịn màng và không bị “lem nhem” ở các phần tiếp giáp, chủ thể được tôn lên, các tia ngược sáng bị triệt tiêu, vùng tối được bù thêm chút sáng, bốn góc hơi tối lại. Một cảm giác rất Leica.
Ở chế độ chụp tự động, AI của máy tự phát hiện ra tình huống chụp và đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Chẳng hạn nếu phát hiện ra gương mặt, máy sẽ chuyển sang chế độ chân dung. Khi có nhiều gương mặt, máy chuyển sang chế độ chụp ảnh nhóm. Khi bạn chụp trời mây, máy tự nhận diện và tôn thêm màu xanh dương. Khi chụp cây cỏ, máy tự làm cho lá cây xanh hơn. Khi chụp một văn bản, máy tự crop ảnh sao cho bạn có thể đọc được những dòng chữ đó một cách dễ dành nhất.
Khi chụp các vật thể đang di chuyển, các điểm lấy nét theo phase, theo độ tương phản được dẫn dắt bởi AI, và nó tự nhận biết để “tóm” lấy chủ thể, hạn chế hiện tượng mờ nhoè.
Ở chế độ chụp đêm, máy cho người dùng phơi sáng trong 4 giây mà không cần đến tripod. Kết quả thu được khá đáng khen, nhưng vẫn bị rung nhẹ nếu người dùng phơi sáng bằng tay. Với camera trước, P20 Pro cũng hỗ trợ chụp xoá phông, tự làm đẹp và các tuỳ chỉnh ánh sáng phụ trợ rất giống với iPhone 8 và iPhone X.
Cá nhân tôi chưa thực sự thỏa mãn với khả năng chụp đêm của P20. Chế độ zoom quang của P20 Pro khá lợi hại, nhưng hãng nên chia nhỏ mức zoom ra để người chụp dễ có được góc ảnh phù hợp hơn.
Sự can thiệp của AI vào bức ảnh giúp người dùng có thể thích thú hơn, và thật may là nó hoạt động chính xác trong hầu hết tình huống. Bạn sẽ dễ có bức ảnh đẹp, màu sắc nịnh mắt, xoá phông nhẹ nhàng và góc rộng – điều chỉ bắt gặp trên những máy ảnh fullframe gắn ống kính khẩu độ lớn. 
Tuy vậy, với những ai đã quen với giao diện camera đơn giản của iOS và các máy Android khác, việc làm quen với giao diện chụp ảnh không hề đơn giản. Nó giống với việc bạn đang chạy xe tay ga nhưng chuyển sang xe số: nhiều tuỳ chỉnh nằm rải rác trên ứng dụng chụp ảnh.
Đáng trách hơn, Huawei giấu luôn cả tính năng chụp hẹn giờ vào sâu trong menu, gây bất tiện khi cần dùng đến.
Ngoài ra, với những người dùng ưa thích những tấm ảnh có màu chân thực, dù nhạt nhẽo, có thể không thích cách làm màu tươi sáng của P20 Pro. Tuy nhiên, bức ảnh sau khi được qua xử lý vẫn còn lưu trữ khá nhiều thông tin, cho khả năng hậu kỳ ở mức ổn. Tôi có thể “kéo sáng” một tấm chụp ngược nắng lên mà không mất nhiều chi tiết, và ảnh khi xuất ra không vỡ nát. 
Điều cần chú ý cuối cùng, đó là hãy luôn “hà hơi” và chùi sạch sẽ vân tay trên camera trước lẫn sau, bởi nó rất dễ bị bám bẩn, gây hiện tượng mờ ảnh. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể mang theo một tấm khăn vải mềm để lau sạch mặt lưng và ống kính trước khi chụp ảnh. Điều này khá bất tiện, nhưng rất nên làm nếu bạn muốn nhận về những bức ảnh sắc nét. 
Nếu bạn tò mò về thông số của P20 Pro, tôi sẽ dẫn ra thông tin từ hãng. Cá nhân tôi không quan tâm đến những con số này, tôi chú trọng đến cảm giác bấm máy và kết quả khả quan hay không.
Máy sở hữu cụm 3 camera, gồm một camera 40 MP (khẩu độ f/1.8, tiêu cự 27 mm, cảm biến 1/1.7″), một camera 20 MP B/W (f/1.6, 27 mm) + 8 MP (f/2.4, 80 mm), chống rung quang học, các lớp thấu kính từ Leica, khả năng zoom quang 3X. Camera trước của máy có độ phân giải 24 MP (f/2.0, 26 mm).
Huawei xử lý hình ảnh bằng cách kết hợp bốn điểm ảnh vào một, khá giống với cách làm của Nokia khi phát triển công nghệ PureView trên chiếc 808 hay Lumia 1020. Người đứng đầu bộ phận hình ảnh của Huawei là Eero Salmelin vốn là “người cũ” từ nhóm Pureview của Nokia.
Nói một cách đơn giản, Huawei P20 Pro đang nắm giữ “di sản” về mặt con người của Nokia, dù về mặt pháp lý, công nghệ PureView đã thuộc về Microsoft và bị dừng phát triển.
Tại sao gọi là vụn vặt? Tôi tiếp cận chiếc P20 Pro với tư cách là một người thích chụp ảnh trên di động. Trong chuyến đi Nam Du, Kiên Giang, tôi dùng song song nó với chiếc iPhone. Tôi đăng nhập tài khoản Google, Facebook vào chiếc P20 Pro và chỉ dùng nó để chụp, chỉnh sửa, gửi ảnh, thỉnh thoảng nhắn tin với bạn bè. 
Và tiếc thay, tôi không có nhiều động lực để chuyển hẳn sang dùng P20 Pro như chiếc điện thoại chính. Bàn phím của máy để rung mặc định, và tiếng rung luôn đến sau khoảng 1/10 giây khi gõ phím. Nó làm cho tôi bực bội và tắt ngay chế độ rung phản hồi này. 
Chưa hết, những ứng dụng vốn hiển thị rất “nuột” trên iOS lại tỏ ra lem nhem, sắc cạnh và thô vụng trên Android. Điều này không phải lỗi của Huawei, mà bởi chính những nhà phát triển ứng dụng. Ngay cả Facebook và Messenger cũng mang đến một cảm giác rất khác, không mấy thân thuộc.
Tắt màn hình đi, tôi nhìn lại tổng thể chiếc máy và cảm thấy muốn lau chùi nó một lần nữa. Huawei đã không phủ lớp coating khử vân tay cho mặt lưng, khiến chiếc P20 Pro luôn trong tình trạng “bẩn bẩn, mờ mờ” dù tôi không bị chứng mồ hôi tay. Đây có thể là một thách thức lớn trong khâu chế tác, bởi để tạo ra mặt lưng có khả năng chuyển màu “ảo” như vậy, có thể hãng không phủ được thêm lớp coating để bảo vệ nó khỏi vân tay, mồ hôi. Dù sao, đây cũng chỉ là suy đoán của cá nhân tôi.
Ngoài ra, chip Kirin 970 8 nhân, RAM 6 GB khiến tôi cũng không cần bận tâm lắm đến hiệu suất. Review một chiếc flagship, giống như việc bạn thừa biết một chiếc xe có chế độ off-road có thể chinh phục các địa hình khó, trong khi nhu cầu của số đông chỉ dừng lại ở những chuyến đi êm đềm trên xa lộ: lướt web, chơi game, xem phim, chụp ảnh, mạng xã hội… Nhưng nhìn chung, pin của máy khá tốt và không hề nóng tay khi sử dụng. 
Tôi đã “đấu tranh tâm lý” cho câu hỏi này, và quyết định chờ đợi thêm.
Với mức giá 19,99 triệu, P20 Pro cao hơn đáng kể so với chiếc Xiaomi Mi Mix 2S (12,99 triệu), nhưng trội hơn nhiều về camera và có màn hình OLED thay vì LCD. Bù lại, smartphone cao cấp của Huawei hơi thiệt thòi về thiết kế bởi Mi Mix 2 sử dụng vỏ gốm, màn hình gần như chiếm trọn mặt trước.
Xét về giá, P20 Pro sẽ phải cạnh tranh với Galaxy S9, Sony Xperia XZ2, iPhone 8 64 GB và Google Pixel 2 XL. Đây đều là những đối thủ khá dễ thở với P20 Pro nếu xét về camera, nhưng về trải nghiệm sử dụng, model của Huawei sẽ khó có cửa với iPhone, hay đuối hơn về mặt thương hiệu so với điện thoại Samsung. Nó cũng chẳng thể so về phần mềm với Google Pixel 2 XL vốn chạy thuần Android và nhận được những hỗ trợ đặc quyền từ Google.
Chiếc Sony Xperia XZ2 có thể sẽ là đối thủ xứng tầm nhất với P20 Pro, và cũng là một sự tổn thương sâu sắc cho chiếc di động đến từ Sony – hãng vốn là nguồn cung cứng cảm biến hình ảnh lớn nhất cho các thương hiệu điện thoại trên thị trường. Di động của Sony có thể chụp nhanh nhất, quay nét nhất, nhưng hiếm khi đứng đầu về chất lượng ảnh chụp cũng như phần mềm cho camera.
Tĩnh tâm hơn một chút, tôi có thể “nhịn” mua P20 Pro bởi chiếc Samsung Galaxy Note mới có thể ra mắt tháng 8 hoặc 9. Ngay sau đó là chiếc iPhone mới từ Apple. Tháng 11, Google sẽ làm cú chốt hạ bằng thế hệ Pixel tiếp theo, sau khi mua lại những gì tinh hoa nhất của HTC.
Tháng 12 sẽ là dịp phù hợp để tôi quyết định lựa chọn đâu là chiếc smartphone tiếp theo của mình. Và nếu Huawei P20 Pro vẫn giữ vị trí số một về camera, tôi sẽ tậu nó. 
Nếu bạn là người không quan tâm đến giá, cần một chiếc Android đủ tốt, chụp ảnh đẹp, muốn trải nghiệm AI ngay lúc này, P20 Pro là cái tên được khuyến khích.

VietBao.vn