Ngoài các thiệt hại do đối tác chấm dứt hợp đồng, sụt giảm doanh thu do dừng sản xuất kinh doanh, ZTE phải bỏ ra khoảng từ 80 triệu đến 100 triệu nhân dân tệ để duy trì các hoạt động hàng ngày trong khi phần lớn trong số 75.000 nhân viên của hãng phải “ngồi chơi”.
Nhiều nhà phân tích thị trường còn cho rằng con số thiệt hại mà ZTE phải đón nhận do lệnh cấm 7 năm của Mỹ sẽ không dừng lại ở đây.
Theo đó, nếu Mỹ không kịp thời đưa ra các chính sách nới lỏng trừng phạt, nhiều khả năng lệnh cấm cũng sẽ cản trở kế hoạch phát triển công nghệ di động 5G của ZTE trong khi công nghệ này từng được kỳ vọng sẽ mang đến cú huých tăng trưởng quan trọng. Cuối tháng 2 vừa qua, ZTE đã thông báo hợp tác với Intel và Qualcomm để phát triển 5G.
Song song với việc thừa nhận những thiệt hại, ZTE cũng cho biết hãng đang có sẵn kế hoạch mang tên “T0” để sẵn sàng cho các nhà máy đang ngừng hoạt động có thể nhanh chóng vận hành trở lại chỉ vài giờ sau khi Washington đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 7 năm.
Trên thực tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ZTE bị phụ thuộc vào linh kiện được cung cấp bởi các hãng công nghệ Mỹ như chip của Qualcomm để sản xuất smartphone và thiết bị kết nối mạng. Lệnh cấm kéo dài 7 năm có nguyên nhân từ việc ZTE đã phá vỡ quy định trừng phạt mà Mỹ áp với Iran.
Trong một diễn biến mới hơn, hôm thứ Ba vừa qua, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ZTE như một ưu tiên dành cho Trung Quốc. Theo đó, Donald Trump có thể phạt ZTE khoản tiền hơn 1 tỷ USD.
Được biết, ZTE bắt đầu gặp bê bối vào năm 2016 do vi phạm luật cấm bán công nghệ Mỹ sang Iran. Theo thỏa thuận năm 2017, công ty sẽ buộc phải nộp phạt 1,2 tỷ USD đồng thời được yêu cầu phải sa thải 4 giám đốc cấp cao và 35 nhân viên khác thuộc các nhà cung ứng tại Mỹ.
Tuy nhiên, tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ phát hiện, thay vì khiển trách thì ZTE lại trả đầy đủ lương thưởng cho các nhân viên có liên quan đến vụ việc phi pháp trên. Đây chính là một trong những lý do khiến Mỹ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho ZTE trong 7 năm và cổ phiếu ZTE trên sàn Thâm Quyến và sàn Hồng Kông bị ngừng giao dịch.
Thiệt hại mang tính dây chuyền
Nếu thoạt nhìn ban đầu, quy định cấm chỉ tác động đến ZTE, nhưng nếu quan sát rộng hơn, quy định cấm đã ít nhiều gây chấn động đến toàn bộ chuỗi cung ứng trong ngành viễn thông Trung Quốc cũng như toàn cầu.
Chắc chắn, tác động của lệnh cấm mà Mỹ áp dụng chống ZTE có ảnh hưởng không chỉ trong biên giới Trung Quốc. ZTE và Huawei hiện đang mua rất nhiều chip của Qualcomm và Intel. Căng thẳng thương mại kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp Mỹ.
Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, đã có nhiều lo ngại về một lệnh trừng phạt tương tự sẽ được Mỹ áp đặt đối với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông và di động lớn nhất Trung Quốc.
Ngoài ra, lệnh cấm của Mỹ còn đe dọa tính liên tục trong chuỗi cung ứng thiết bị đầu cuối cho khách hàng của nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, China Mobile và nhà mạng Telefonica SA tại châu Âu.
Thậm chí, các đối tác cung cấp linh kiện cho ZTE (Qualcomm, Intel….) cũng sẽ bị thiệt hại không nhỏ do mất các đơn hàng từ ZTE.
Lê Hường (theo bloomberg.com) .
VietBao.vn