Trang chủ Tin Tức Baidu trước thách thức lớn khi Google có ý quay lại Trung...

Baidu trước thách thức lớn khi Google có ý quay lại Trung Quốc

762
South China Morning Post đưa tin Google đang phát triển ứng dụng tìm kiếm di động cho Trung Quốc kiểm duyệt và sẽ tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Dù vậy, liệu hãng Mỹ có triển khai được ứng dụng hay không thì vẫn còn chờ vào sự chấp thuận từ chính quyền. Trang The
Information còn đưa tin Google có nhiều kế hoạch về ứng dụng tổng hợp tin tức cho Trung Quốc.

Thông tin này có thể ảnh hưởng đến hãng tìm kiếm hàng đầu Đại lục là Baidu. “Baidu có thể mất đáng kể lưu lượng truy cập tìm kiếm và chia sẻ doanh số nếu Google quay lại Trung Quốc trong 6-9 tháng tới”, nhà phân tích Ling Vey-sern của Bloomberg Intelligence viết. Google từng nắm 14% lưu lượng truy cập tìm kiếm và 33% thị phần doanh thu thị trường Trung Quốc trước khi rời đi hồi năm 2010. Công cụ tìm kiếm của Baidu khi đó thì có 79% lưu lượng truy cập và 63% thị phần doanh thu.

Việc Google thay đổi cách tiếp cận trong ứng xử với luật kiểm duyệt của Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của thị trường nước này trong mắt các hãng công nghệ cao Mỹ.

Từ khi Google rời Trung Quốc, thị trường internet thay đổi nhanh. Ước tính có khoảng 303 triệu người dùng internet di động ở Trung Quốc vào năm 2010, theo dữ liệu từ Trung tâm thông tin mạng internet Trung Quốc. Con số này hôm nay tăng hơn gấp đôi. Đại lục là nhà của 753 triệu người dùng internet di động, có cộng đồng trực tuyến lớn nhất thế giới. Vì thế, các hãng cung ứng dịch vụ internet nước ngoài như Google, Facebook, Instagram và Twitter cảm thấy mình bị đứng ngoài cuộc vì tường lửa Great Firewall.

Phương tây bị “ra rìa” giúp nhiều hãng internet lớn Trung Quốc, dẫn đầu bởi Baidu, Alibaba và Tencent, phát triển và phục vụ lượng lớn người tiêu dùng am hiểu smartphone, bằng nhiều ứng dụng phổ biến từ online cho đến offline. Tuy nhiên, người dùng internet tìm kiếm các dịch vụ thay thế ngày nay vẫn xem việc Google vào lại thị trường Trung Quốc là tín hiệu đáng hoan nghênh.

Baidu sẽ chịu nhiều cạnh tranh hơn khi Google vào lại Trung Quốc

Ảnh: Reuters

Giám đốc điều hành Kitty Fok của hãng IDC China nói: “Nếu Google chơi theo quy tắc trò chơi của chính phủ, hãng vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng thị phần ở Trung Quốc. Khi Trung Quốc giàu hơn, có thể có nhiều nhóm muốn sử dụng dịch vụ nước ngoài để có thêm thông tin quốc tế”. Bà Fok nói thêm, vào lại Trung Quốc sẽ giúp Google có thể bắt đầu thu thập dữ liệu mới, giúp doanh nghiệp phát triển dịch vụ internet trong nước.

Sự trở lại của Google trong mảng tìm kiếm còn có thể mở đường cho các cửa hàng app online riêng của hãng bước vào thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Chủ tịch về Trung Quốc Neil Wang của hãng tư vấn Frost & Sullivan cho hay: “Thị trường ứng dụng Android ở Trung Quốc hấp dẫn, vì vậy có nhiều cơ hội to lớn để Google khám phá”, ông Wang đề cập đến các ứng dụng dùng trên smartphone chạy hệ điều hành Android của Google.

Đây có thể là đòn giáng thứ nhì vào Baidu, hãng đang phát triển cả trí tuệ nhân tạo (AI) cho xe tự lái và thông báo mở nhiều chương trình mini, cho phép công ty tạo ra siêu ứng dụng giúp mở rộng hệ sinh thái dịch vụ. Ngoài ra, việc Google tái gia nhập thị trường còn có thể tác động lên mảng quảng cáo của Baidu, vì nó khiến các nhà quảng cáo trải rộng ngân sách ra nhiều kênh, nhiều công cụ tìm kiếm chứ không chỉ tập trung vào Baidu.

Google bước vào thị trường tìm kiếm online Trung Quốc năm 2000 và rời đi năm 2010 vì các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Mới đây, hãng tạo ra ứng dụng tìm kiếm được sửa đổi, đưa vào danh sách đen các trang về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo và nhiều chủ đề mà chính phủ cho là nhạy cảm. Chuyên gia Fok nói rằng Google chỉ cần một miếng bánh nhỏ tại thị trường 1,4 tỉ dân Trung Quốc đã có thể được cho là thắng đậm.

Baidu là hãng dịch vụ internet có trụ sở ở Bắc Kinh, cung cấp dịch vụ tìm kiếm và nguồn tin cá nhân hóa, có 148 triệu người dùng hoạt động hằng ngày trong tháng 6.2018. Khoảng 80% doanh thu hãng đến từ các dịch vụ marketing online, trong đó có quảng cáo.