Trang chủ Tin Tức Gặp gỡ nhà báo, phóng viên ảnh Nick Út – Tác giả...

Gặp gỡ nhà báo, phóng viên ảnh Nick Út – Tác giả bức ảnh ‘Em bé Napalm’ đạt giải Pulitzer

712

Bác Nick Út – hay Huỳnh Công Út là một nhà báo ảnh của trang báo AP – Associated Press. Công chúng có lẽ sẽ biết tới bác là tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm“, ghi lại hình ảnh cô Nguyễn Thị Kim Phúc chạy khỏi một trận thả bom napalm khốc liệt, quần áo đã bị cháy hoàn toàn.
Đây là một bức ảnh phóng sự cực kì nổi tiếng, có tác động mạnh tới phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Với tầm ảnh hưởng lớn tới lịch sử, bức ảnh này đã giành cho Nick Út giải thưởng danh giá Pulitzer cho lĩnh vực báo chí. Lúc nhận giải, bác mới chỉ 21 tuổi, trở thành người trẻ tuổi nhất tính tới thời điểm hiện nay nhận được giải thưởng này.
Câu chuyện sự nghiệp phóng viên của Nick Út bắt đầu từ bác mới chỉ 16 tuổi. Lúc đó, người anh anh bác là Huỳnh Thanh Mỹ – lúc này cũng là một phóng viên của AP – đã hi sinh tại chiến trường. Trong đám tang của anh mình, bác Út được Horst Faas, biên tập viên ảnh của tờ báo mời về để nối tiếp sự nghiệp làm phóng viên của anh mình.
Bác nói rằng người anh của mình vô cùng ghét chiến tranh, và bác rất vui khi bức ảnh của mình góp phần đẩy nhanh tiến trình hòa bình giữa Việt Nam và Mỹ. Cô Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh đã may mắn sống sót, và tiếp tục là nhân chứng sống về sự khốc liệt của chiến tranh.
Lúc rửa ảnh, bác nhận ra đây là tấm phim thứ 7 trong cuộn. Bác cho rằng, chính người anh đã phù hộ cho mình khi chụp tấm ảnh đó, vì bác Huỳnh Thanh Mỹ là người con thứ 7 trong gia đình. Trong suốt buổi nói chuyện, bác thể hiện sự khiêm tốn khi luôn cho rằng sự thành công của mình là nhờ sự may mắn.
Bác kể lại những câu chuyện sống sót trong thời chiến, những câu chuyện làm người nghe phải rùng mình. Điển hình là câu chuyện trong một lần di chuyển bằng trực thăng, máy bay của bác bị trúng đạn và rơi xuống. Bác may mắn sống sót, nhưng 4 người trong máy bay đã không may qua đời.
Sau tai nạn này, người ta tìm thấy một mảnh nhỏ của chiếc máy ảnh Leica được các phóng viên mang theo. Mặc dù được làm bằng kim loại siêu dày, nhưng máy ảnh bị bung nắp, xoắn lại như một tờ giấy! Bác cũng đùa một cách hóm hỉnh: “Nhiều khi đạn bay qua đầu làm rụng cả tóc, may mà mình lùn chứ không thì bay mất đầu rồi”.
Nhưng may mắn thôi không đủ, bác Nick Út có được những thành công ngày hôm nay là nhờ vào sự chăm chỉ, nỗ lực và cái nhìn nghiêm túc với nghề báo. Tại buổi trò chuyện, mọi người được mời lên để nhấc thử chiếc balô của bác. Tới cả những “thanh niên trai tráng” cũng phải lắc đầu vì chiếc balô quá nặng, đựng vô cùng nhiều những dụng cụ tác nghiệp.
Hãy thử tưởng tượng một người đã quá tuổi 70 như Nick Út, vẫn hàng ngày đem một chiếc balô như vậy để đi săn ảnh, ta mới thấy được niềm đam mê với nghề của bác.
Sự nghiệp phóng viên của bác Út cũng không dừng lại ở những bức ảnh chiếc tranh tại Việt Nam. Sau khi định cư tại Mỹ, bác tiếp tục cộng tác với trang thông tấn AP về những thông tin tại nước này. Bác đã chụp rất nhiều những bức ảnh được công chúng nhớ tới như phiên tòa xử nam tài tử Robert Downey Jr về tội sử dụng chất kích thích, hoàng tử nhạc Pop Michael Jackson trong một buổi hòa nhạc danh tiếng, Paris Hilton ngồi khóc ở ghế sau xe cảnh sát; tới cả những vụ án giết người ghê rợn.
Theo bác, để thành công ở sự nghiệp phóng viên hay bất cứ ngành gì về nhiếp ảnh cũng cần phải có sự nghiêm túc. Bất cứ bức ảnh nào được chụp cũng phải có suy tính, mục đích, dù là được chụp bằng một chiếc điện thoại hay bằng máy ảnh đắt tiền. Với bác, máy ảnh chỉ là một công cụ để thể hiện được cái nhìn của phòng viên mà thôi, điều quan trọng là con mắt, trách nhiệm của người chụp.
Tham gia buổi trò chuyện, người nghe không chỉ biết thêm về nhà báo lỗi lạc này, mà còn nhận được những lời khuyên hữu ích nếu muốn theo đuổi nghề báo chí.
Một vài hình ảnh tại sự kiện:
Nhiếp ảnh gia chụp được chùm ảnh siêu hiếm: Đại bàng nhấc bổng con cáo lên không trung, chiến đấu 8 giây vì con thỏ trong miệng cáo