Trang chủ Tin Tức Google “đánh chiếm” thị phần tìm kiếm tại Trung Quốc liệu có...

Google “đánh chiếm” thị phần tìm kiếm tại Trung Quốc liệu có phải là bước đi đúng?

730
Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, Google đang trong quá trình khẩn trương phát triển một trình tìm kiếm có chức năng kiểm duyệt gắt gao để phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Đây là nỗ lực để xâm nhập thị trường tỷ dân sau bao năm trời Google bị các cơ quan chức năng tại Trung Quốc “cấm cửa”.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc thông báo rằng hiện tại vẫn chưa thông qua, cho phép dự án của Google được triển khai. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới cũng có thể ảnh hưởng xấu tới quyết định cấp phép này.
Dù vậy nhưng Google vẫn đang nỗ lực nuôi tham vọng được mở rộng dịch vụ tại thị trường Trung Quốc. Lý do khá đơn giản bởi tại Trung Quốc hiện đang có tới 772 triệu người dùng internet, hơn nửa tỷ người sử dụng internet qua các thiết bị di động. Để có thể tiếp cận thị trường tiềm năng này, Google chấp nhận tăng cường các tính năng kiểm duyệt thông tin theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.
Xét trên các số liệu về thị trường tiềm năng, có thể bước đi của Google là hoàn toàn đúng nhưng dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế thì việc này lại là lợi bất cập hại. Bởi dung lượng của thị trường lớn không đồng nghĩa với việc đó là một thị trường tiềm năng. Nhất là khi Google lại có xuất phát điểm khá muộn tại Trung Quốc sau bao năm trời bị “cấm cửa”.
Liệu có còn chỗ trống dành cho Google?
Theo thống kê thì vào năm 2009, trước khi Google bị cấm hoàn toàn tại Trung Quốc, trang tìm kiếm Baidu đã có độ phủ lên tới 76% thị phần của Trung Quốc (Số liệu của iResearch). Microsoft cũng đã thức thời, cho ra mắt công cụ tìm kiếm Bing với chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt từ nhiều năm sau đó nhưng cũng không thể mở rộng tại Trung Quốc. Ở thời điểm đó, Baidu vẫn chiếm tới 73,8% thị phần (Theo số liệu từ Statista).
Shawn Rein, giám đốc của China Market Research Group cho biết “Google từng bị Baidu hất cẳng một lần rồi. Khi chúng tôi phỏng vấn người dùng ở thời điểm đó, 90% người dùng đều sử dụng Baidu để tìm kiếm các từ khóa tiếng Trung, và họ chỉ dùng Google để tìm kiếm bằng tiếng Anh. Đơn giản là bởi vì khả năng tìm kiếm bằng tiếng Trung của Google thời điểm đó kém hơn hẳn so với Baidu. Trong suốt một thập kỉ qua, Baidu đã phát triển rất mạnh, còn Google vẫn chưa chứng tỏ nhiều trong việc cải thiện khả năng tìm kiếm bằng tiếng Trung Quốc.”
Ông Rein cho biết thêm rằng người dùng Trung Quốc hiện tại cũng khá thờ ơ khi nghe tin Google chấp nhận kiểm duyệt để trở lại quốc gia này. Đơn giản là vì họ nghĩ Google bị kiểm duyệt thông tin thì đâu có khác gì so với Baidu hiện nay.
Thị trường không còn lợi nhuận tiềm năng
Không chỉ việc tìm kiếm thị phần trở nên khó khăn dành cho Google mà xét trên phương diện tài chính thì việc tìm kiếm lợi nhuận quảng cáo tại Trung Quốc cũng đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Lợi nhuận kiếm về từ trình tìm kiếm chủ yếu thông qua các kênh quảng cáo nhưng tại Trung Quốc, Google sẽ phải đối đầu với Tencent, Alibaba, Baidu… Những đơn vị này đều đã vận hành trong lĩnh vực quảng cáo tại Trung Quốc từ rất lâu và đều đang nắm thế mạnh.
Thị trường quảng cáo trên trình tìm kiếm của Trung Quốc cũng đang dần đi đến bão hòa với chỉ số tăng trưởng khá thấp trong vài năm qua. Thay vào đó, tốc độ tăng trưởng của quảng cáo mạng xã hội lại gia tăng trên các nền tảng như Wechat.
Giám đốc của Blue Lotus Capital Advisors cho rằng hình thức quảng cáo mạng xã hội đang dần “nuốt chửng” các công cụ tìm kiếm. Chuyên gia này đưa ra ước tính, nếu xâm nhập được vào Trung Quốc thì doanh thu của Google cũng chỉ bằng được 10% so với Baidu hiện nay, tương đương với 1 tỷ USD. Một con số không mấy hấp dẫn nếu so với nỗ lực của Google phải bỏ ra cho thị trường này.
Những cách tiếp cận sáng sủa hơn với thị trường Trung Quốc
Dù bị “cấm cửa” tại Trung Quốc nhưng thực tế thì suốt bao năm qua Google vẫn duy trì đội ngũ nhân sự của mình tại đây. Trụ sở của Google vẫn hoạt động và bán quảng cáo của mình, thêm vào đó là tìm kiếm nguồn doanh thu từ các lĩnh vực công nghệ, từ các khoản đầu tư bao gồm cả JD.com.
Google cũng đang trong quá trình đàm phán với Tencent để đưa dịch vụ cloud của mình tới Trung Quốc theo tin từ Bloomberg. Ngoài ra thì theo các chuyên gia kinh tế, Google có tiềm năng phát triển Play Store tại Trung Quốc hơn. Bởi tính cạnh tranh và sự giới hạn từ chính phủ sẽ ít hơn hẳn so với mảng ứng dụng tìm kiếm.
Và như vậy, để bước chân vào thị trường Trung Quốc, Google có thể triển khai nhiều hướng khác thay vì nỗ lực đưa trình tìm kiếm vốn đã “cấm cửa” nhiều năm nay tới với thị trường tỷ dân này.
Google quay lại Trung Quốc bằng công cụ tìm kiếm kiểm duyệt?
Thế Anh
Theo Trí Thức Trẻ