Theo báo Đầu tư Bất động sản, ngày nay các chi tiết của căn nhà thường được sử dụng nhiều bằng kính cường lực như cửa kính phòng khách, cửa sổ, vách kính ngăn, vách kính cầu thang… Các tòa nhà văn phòng cao tầng còn sử dụng kính cường lực để làm vách ngăn, tường chịu lực.
Tuy nhiên, chất lượng và tính an toàn của sản phẩm này lâu nay dường như bị bỏ ngỏ, giá của sản phẩm này mỗi nơi một khác.
Chưa kể, mỗi nơi có một chế độ hậu mãi khác nhau, nhiều công ty báo giá cao nhưng đi kèm gói giảm giá khi lắp đặt và bảo hành. Còn những chỗ bán giá thấp thì khách hàng phải tự thuê đội lắp đặt ở ngoài, trong quá trình lắp đặt có xảy ra vấn đề gì thì họ không phải chịu trách nhiệm.
Các yếu tố chất lượng kính, quy trình lắp đặt cộng với các nguyên nhân khách quan của thời tiết đã khiến thời gian qua xảy ra nhiều vụ nổ kính cường lực gây hậu quả đáng tiếc.
Theo tờ Khám Phá, hồi tháng 7/2017 tại Hà Nội đã xảy ra một vụ nổ kính cường lực nhà tắm khiến các mảnh vụn kính găm đầy người một khách hàng.
Theo chia sẻ của nạn nhân trên mạng xã hội thì anh này đang đi vào nhà tắm kéo cửa bình thường để chuẩn bị tắm thì cửa kính nổ tung “như bom”, các mảnh kính vỡ vụn bắn tung tóe và găm đầy người.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc kính cường lực bỗng dưng nổ tung khiến nhiều người hoang mang. Được biết trong năm 2016 cũng đã xảy ra hai vụ vỡ kính cường lực lan can cầu thang và ở giếng trời nhà 2 khách hàng ở Thái Nguyên và Hà Nội.
Trường hợp vỡ kính cường lực ở giếng trời là gia đình chị Nguyễn Mai Khánh trú tại (Dương Nội – Hà Đông – Hà Nội), báo Tri Thức Trẻ đưa tin.
Theo đó, hồi cuối tháng 6/2016, khi đi làm về chị Khánh bất ngờ phát hiện toàn bộ kính lắp đặt tại giếng trời nổ tung, những mảnh kính vỡ vụn như đầu ngón tay vương vãi khắp nhà.
Những vụ nổ kính xảy ra thời gian vừa qua khiến nhiều người lo lắng đối với vật liệu được xem là an toàn, siêu bền này.
Một chuyên gia xây dựng nhận định, đối với kính tại giếng trời tự nổ là do thợ lắp sai chủng loại kính. Nguyên tắc lắp kính cường lực tại giếng trời phải là kính cường lực 2 lớp, có keo tráng. Loại kính này cũng tương tự như kính của ô tô và nếu có tự “nổ” hoặc vỡ thì không bao giờ rơi xuống mà chỉ rạn nứt khắp mặt kính.
KTS. Đỗ Quang Khải, hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng kính cường lực tự nổ còn đến từ vấn đề chất lượng.
Ông Khải lý giải, trong thành phần của kính cường lực nếu lẫn tạp chất Nicken Sulfua (tạp chất không mong muốn xảy ra trong quá trình nung chảy thủy tinh ở các nhà máy sản xuất), theo thời gian sẽ gây nguy cơ tự phát nổ.
Do vậy, để kiểm tra độ an toàn của kính cường lực, các nhà sản xuất phải đầu tư các loại máy móc như lò sốc nhiệt. Những tấm kính không vỡ sau khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn, sẽ được chứng nhận an toàn.
Đại diện Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và gia công kính lớn trong nước đã đầu tư, nâng cao tiêu chuẩn để cung ứng các sản phẩm kính chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng kính trôi nổi, kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tràn lan trên thị trường nên khó kiểm soát chất lượng.
Theo đó, để bảo đảm an toàn khi sử dụng kính cường lực, bên cạnh việc lựa chọn sử dụng sản phẩm của các thương hiệu uy tín, các chuyên gia vật liệu xây dựng khuyên người dân nên chọn đơn vị thi công, lắp kính chuyên nghiệp.
Để phòng bị, có thể dán phim an toàn lên bề mặt kính để nếu bị nổ vỡ, kính sẽ không tạo ra các hạt nhỏ bắn vào người.
H.Y (tổng hợp)