Trang chủ Tin Tức Nghiên cứu: Con người đã “tận diệt” hầu hết các loài sinh...

Nghiên cứu: Con người đã “tận diệt” hầu hết các loài sinh vật dù chỉ chiếm 0,01% sự sống trên Trái Đất

670

Trang trại chăn nuôi gia súc tại Brazil
Báo Anh The Guardian cho hay, theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNSA) đã công bố vào tháng 4/2018, các nhà khoa học nhận thấy nếu tính theo trọng lượng của cả hành tinh này (sinh khối), hơn 7 tỷ người chúng ta chỉ tương đương 0,01% tổng số sinh vật sống trên Trái Đất. Nhưng kể từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại cho đến nay thì con người chúng ta đã xóa sổ gần 83% các loài động vật có vú hoang dã và một nửa các loài thực vật.
Nghiên cứu này được xem là công trình đầu tiên về ước tính toàn diện trọng lượng của mỗi lớp sinh vật sống, từ đó làm rõ một số giả thuyết còn mập mờ lâu nay. Theo đó, vi khuẩn là một dạng sinh vật sống thực thụ chiếm đến 13% sinh khối trong khi thực vật (cây cối) chiếm phần lớn trọng lượng Trái đất với 82%. Tất cả các sinh vật khác, từ côn trùng đến nấm hay cá và động vật chỉ chiếm 5% sinh khối của toàn bộ thế giới.
Thêm một điều bất ngờ và thú vị không kém được bật mí trong series truyền hình Blue Planet II của đài BBC là dù chiếm 2/3 bề mặt Trái Đất nhưng đại dương rộng lớn chỉ tương đương với 1% tổng số sinh khối. Phần lớn cuộc sống là đất đai và các vi khuẩn được chôn sâu dưới lòng đất.
Giáo sư Ron Milo, tác giả chính của nghiên cứu trên thuộc Viện Khoa học Weizmann (Israel), cho biết: “Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng từ trước đến nay chưa có bất kỳ một ước tính toàn diện nào về tất cả các thành phần sinh khối khác nhau. Và tôi hy vọng điều này sẽ mang lại cho mọi người một góc nhìn về sự chi phối của chính họ đối với sự sống trên Trái Đất”.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng lượng gia cầm hiện chiếm đến 70% tổng số chim trên toàn cầu, chỉ có 30% là hoang dã. Và số phần trăm sống ngoài hoang dã của động vật có vú còn đáng báo động hơn khi chỉ vọn vẹn có 4%. Trong đó, con người chúng ta chiếm 36% và 60% động vật có vú còn lại là vật nuôi, chủ yếu là gia súc và lợn.
“Thật đáng kinh ngạc! Trong các bộ phim tài liệu về động vật hoang dã, tôi thấy có rất nhiều loài chim khác nhau trên thế giới vẫn đang sống hoang dã, nhưng khi thực hiện công trình này, tôi nhận ra rằng số lượng chim được thuần hóa lại còn nhiều hơn thế nữa”, ông Milo nói.
Việc phá hủy môi trường hoang dã để chăn nuôi, khai thác và phát triển kinh tế sẽ rất có thể dẫn đến khởi đầu của một cuộc Đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong lịch sử bốn tỷ năm hình thành của Trái Đất, điều mà nhiều nhà khoa học đang thực sự rất lo ngại. Cụ thể, trong vòng 50 năm qua, phân nửa số động vật trên Thế giới được ghi nhận là đã chết.
Khi mang so sánh các số liệu ước tính mới nhất với các số liệu ước tính trước mốc thời gian con người trở thành nông dân và cuộc cách mạng nông nghiệp bắt đầu, các nhà khoa học đã sững sốt khi thấy rằng mức độ suy giảm là rất lớn, từ những động vật nhỏ bé như chuột đến những loài to lớn như voi. Ở dưới lòng đại dương, trong vòng ba thế kỷ con người săn bắt cá voi chỉ để lại 1/5 động vật biển có vú.
“Tôi thường đặt câu đố cho con gái của mình là có một con voi bên cạnh một con hươu cao cổ bên cạnh một con tê giác. Nhưng nếu muốn mang lại cho nó cảm giác thực tế hơn về thế giới, câu đố phải là một con bò bên cạnh một con bò bên cạnh một con bò và sau đó là một con gà”, Ron Milo chia sẻ.
Về mặt khối lượng, con người chúng ta thực sự lép vế so với các loài sinh vật khác nhưng lại nắm trong tay quyền sinh sát chúng. Đơn cử, chỉ riêng vi-rút thôi là đã có tổng trọng lượng gấp 3 lần con người, còn loài cá gấp 12 lần và nấm gấp… 200 lần.
Tác động của chúng ta đối với thế giới tự nhiên vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong khẩu phần ăn: “Việc lựa chọn chế độ ăn uống có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của động vật, thực vật và các sinh vật khác” , trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
“Tôi hi vọng mọi người sẽ xem lại cách họ tiêu thụ thức ăn như một phần trách nhiệm đối với vận mệnh thế giới. Dù không phải là người ăn chay trường nhưng tôi sẽ nghĩ đến môi trường trước khi đưa ra lựa chọn ăn một món ăn nào đó. Liệu tôi có nên chọn thịt bò, thịt gia cầm hay ăn đậu phụ thay thế?”, Ron Milo chia sẻ quan điểm của mình. Ngoài ra, ông còn cho biết thêm hiện ông đã ít ăn thịt hơn do hiểu được tác động môi trường rất lớn của các loài vật nuôi.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán ước lượng sinh khối, sử dụng dữ liệu từ hàng trăm nghiên cứu, thường sử dụng các kỹ thuật hiện đại như cảm biến từ xa thông qua vệ tinh để có thể quét hầu hết các khu vực và trình tự gen, qua đó làm sáng tỏ vô số sinh vật trong thế giới vi mô.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu dự án bằng cách đánh giá sinh khối của một lớp sinh vật, sau đó xác định môi trường sống của chúng ra sao mà có thể thích nghi với môi trường ở khắp mọi nơi, từ đó tạo nên một tổng thể toàn cầu. Họ dùng cacbon làm thước đo quan trọng và nhận thấy tất cả sự sống có trên Trái Đất này chứa đến 550 tỷ tấn nguyên tố. Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng không có sự chính xác tuyệt đối ở những ước tính mà họ đưa ra, đặc biệt là đối với vi khuẩn dưới lòng đất, nhưng công trình này đã cho nhân loại một cái nhìn tổng quan hữu ích về những gì đang xảy ra quanh ta.
Theo nhà nghiên cứu Paul Falkowski thuộc Đại học Rutgers (Mỹ) – không thuộc nhóm nghiên cứu của dự án trên – nhận định: “Đây là nghiên cứu phân tích toàn diện đầu tiên về phân bố sinh khối của tất cả các sinh vật – kể cả vi-rút – trên Trái Đất”.
“Có hai bài học chính rút ra từ nghiên cứu này. Thứ nhất, con người đã khai thác rất triệt để tài nguyên thiên nhiên, sát hại và trong một số trường hợp hủy diệt rất nhiều loài động vật có vú hoang dã trên mọi lục địa vì nhiều mục đích khác nhau. Thứ hai, sinh khối của thực vật trên cạn hiện chiếm ưu thế và phần lớn thuộc dạng gỗ”, Paul nói.
Thái Âu