Các hình thức tấn công mạng bằng virus gia tăng mạnh, đặc biệt các loại virus xóa dữ liệu, phần mềm gián điệp theo dõi người dùng, đánh cắp tài khoản ngân hàng hay virus đào tiền ảo gây chậm máy. Người sử dụng ngày càng có ý thức hơn với việc bảo vệ máy tính, dữ liệu của mình bằng cách trang bị phần mềm diệt virus có bản quyền, thay vì sử dụng các bản miễn phí với tính năng bị giới hạn. Đây chính là điều kiện để thị trường phần mềm diệt virus tại Việt Nam luôn sôi động.
Hàng loạt các tên tuổi nước ngoài đã lần lượt xuất hiện tại Việt Nam, như Symantec, McAfee, Bitdefender, Panda, Trend Micro, Kaspersky… Thế nhưng đến nay, rất nhiều trong số này đã vắng bóng, không còn bán trên thị trường hoặc không được cả người bán lẫn người mua nhắc đến.
Hiện khi đến các phố máy tính hoặc siêu thị điện máy, hỏi mua phần mềm diệt virus khách hàng thường chỉ được giới thiệu 2 phần mềm là Bkav Pro “Made in Vietnam” hoặc Kaspersky của Nga. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, phần mềm diệt virus của Bkav chiếm đến gần 74% thị phần.
Giải thích cho hiện tượng này, một cựu đại lý của Panda (Tây Ban Nha) cho biết phần mềm diệt virus là sản phẩm có tính đặc thù cao: ngoài việc phải cập nhật kịp thời với tình hình virus tại Việt Nam, đặc biệt các dòng virus Trung Quốc, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật 24/7 là rất quan trọng. Bởi vì người dùng cá nhân ở Việt Nam có thói quen vào mạng tương đối tùy tiện, đôi khi sự cố rồi mới lo đến bảo vệ máy tính. Trong khi đó, các sản phẩm nước ngoài đưa vào thị trường mới chỉ ở mức độ Việt hoá phần mềm, hoặc cắt bớt tính năng để bán giá rẻ, mà không đảm bảo chất lượng, cập nhật mẫu không kịp thời với tình hình, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật rất kém.
“Ngay cả đến giờ, sản phẩm phần mềm nước ngoài cũng dừng lại ở mức hướng dẫn cài đặt, khi khách hàng có vấn đề về kỹ thuật phải chuyển về hãng xử lý. Cái này rất dở và người dùng nào gặp vướng mắc rồi mới thấy”, vị này nói. Hiện ông đã chuyển sang phân phối sản phẩm công nghệ khác nhưng có liên quan nên không muốn nêu tên.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu máy tính đang sử dụng. Mặc dù tiêu thụ máy tính, laptop suy giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên mỗi năm, Việt Nam vẫn tăng thêm khoảng 1,5 triệu máy mới. Sách trắng Việt Nam 2017 cho biết Việt Nam có 50 triệu người dùng Internet. Có thể thấy, với những con số trên thì quy mô và tiềm năng thị trường phần mềm bảo vệ máy tính cá nhân Việt Nam là rất lớn.
Việc lần lượt các phần mềm nước ngoài đến rồi lặng lẽ ra đi hoặc hoạt động cầm chừng đã phản ánh chất lượng sản phẩm Việt Nam tốt, khẳng định được vị thế trên thị trường. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trên thị trường hàng hoá, dịch vụ trong nước mà xét cho cùng, khách hàng là người hưởng lợi nhất: sử dụng sản phẩm chất lượng, dịch vụ chăm sóc sau bán hàng tốt với giá cả cạnh tranh.
Tuấn Phan