Trang chủ Tin Tức Trình làng ô tô không người lái “made in” Việt Nam

Trình làng ô tô không người lái “made in” Việt Nam

729
Nhóm của Linh bên chiếc xe tự lái

Sau một năm miệt mài nghiên cứu, 10 thành viên của nhóm kỹ sư thuộc bộ phận AIT của Công ty FPT Software TP.HCM đã thành công với phần mềm công nghệ xe tự lái ADAS (Advanced Driver Assistance Systems). Đây là sáng tạo đầu tiên về công nghệ tự lái của nhóm kỹ sư trẻ Việt Nam.  
Xe chạy không cần người lái
Sau nhiều lần hò hẹn, chúng tôi mới gặp được nhóm kỹ sư tại Khu công nghệ cao Quận 9 (TP.HCM). Lúc này, cả nhóm đang thảo luận sôi nổi về các vấn đề lier6n quan đến việc hoàn thiện công nghệ phần mềm xe ô tô tự lái. Bạn Nguyễn Đức Linh, thành viên của nhóm vui vẻ khoe: “Chúng em đang tiếp tục hoàn thiện về hệ thống phanh để làm sao xe có thể xử lý được rất nhanh những tình huống bất ngờ, đột ngột”.
Lấy chiếc xe Kia Soul 4 chỗ trong gara, Linh và 2 thành viên trong nhóm mời tôi cùng ngồi để dạo một vòng quanh sân của công ty trên chiếc xe có hệ thống lái tự động. Linh ngồi trước vô lăng nhưng 2 tay ít khi chạm vào, trừ việc khởi động máy và bật phần mềm tự lái. Quả thật, ngồi trên chiếc xe tự lái rất thú vị, tôi hình dung là mình từng ngồi trên chiếc xe điện tử của trẻ con, chỉ cần bấm nút là xe sẽ tự động di chuyển, thế nhưng thú vị hơn đây là chiếc xe thật, trị giá gần 800 triệu mà Công ty FPT đã đầu tư để cho cả nhóm tha hồ “phá”.
Xe chạy tốc độ lúc này khoảng 25km/h và khi đi đến đoạn đường hẹp, có chướng ngại vật ở 2 bên, chiếc xe “hiểu ý” đánh lái sang bên trái hay khi muốn rẽ trái/phải thì vô lăng tự đánh lái theo góc rộng hay hẹp để không bị va chạm vào các chướng ngại vật xung quanh. Từ lúc xuất phát đến cuối hành trình khoảng 1km, qua nhiều khúc cua và những vật cản phía trước, chiếc xe tự điều khiển như có người lái thật sự mà tôi thường đi. Trải nghiệm trên một đoạn đường ngắn nhưng cảm giác chúng tôi thật bất tận… 
Linh kể, trong 7 tháng đầu nghiên cứu, gần như nhóm làm vô định, nghĩ được cách gì thì thử cách đó. Bản đầu tiên là xe mô hình chạy thử vào ngày 15/4/2017, nhưng khi chạy thì gặp rất nhiều trục trặc. Phải thử nghiệm không biết bao nhiêu lần thì nhóm mới tìm được nguyên nhân và sử dụng thuật toán “deep learning” thay cho “computer vision”.
“Từ kiến thức trong sách vở, cả nhóm đã áp dụng công nghệ vào trong những chiếc xe mô hình. Để chuyển công nghệ không người lái từ xe mô hình áp dụng vào chiếc xe thật là cả một quá trình gian nan vì hệ thống của những mạch điều khiển được nhà sản xuất thiết kế chặt chẽ, không có tài liệu, mình muốn can thiệp không đơn giản. Đối với nhiều dòng xe khác, nhà thiết kế đã bảo mật thông tin rất kỹ, mình không thể tự ý phá vỡ hệ thống của họ để điều khiển tự động”, Linh nói.
Có thể kiều khiển xe ô tô bằng giọng nói ?
Mong muốn của cả nhóm là nâng cấp cho chiếc xe chạy hoàn hảo hơn và có thể điều khiển được bằng giọng nói. “Mình lên xe và chỉ cần nói muốn đi tới đâu thì xe tự đi tới đó”, Linh nói và cho biết hiện nay cả nhóm đang tập trung và hoàn thiện hệ thống phanh để xử lý nhanh hơn bởi phanh hiện nay mới chỉ “rà rà” rồi mới dừng xe chứ chưa thể phanh đột ngột khi bất ngờ có chướng ngại vật. Sau khi hoàn thiện tính năng này nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu điều khiển xe bằng giọng nói. “Nghiên cứu điều khiển xe bằng giọng nói không khó, nằm trong khả năng của nhóm. Nếu chỉ điều khiển xe bằng tiếng Anh thì đơn giản nhưng nhóm phải nghiên cứu viết phần mềm để chuyển sang tiếng Việt sẽ mất nhiều thời gian hơn”, Linh khẳng định.  
Sau gần một năm nghiên cứu, cuối năm 2017, nhóm đã ứng dụng phần mềm công nghệ xe tự hành lắp trên xe ô tô 4 chỗ để chạy thử nghiệm với tốc độ 25km/h. Trong quá trình di chuyển, xe tự căn làn, chủ động rẽ trái/phải theo vạch đường cũng như xác định đối tượng trên đường và băng qua đường để tự động phanh và vòng tránh vật cản, tự động nhận diện đèn tín hiệu giao thông cũng như các biển báo giao thông. Công nghệ hiện tại sử dụng thuật toán “deep learning” để đưa ra dự đoán góc đánh lái, vận tốc, phanh.

Chiếc xe được gắn 4 camera quan sát đằng trước và sau xe.

Linh giải thích, trên hệ thống xe tự lái có rất nhiều thành phần kết hợp lại như bộ xử lý trung tâm để xử lý các tín hiệu từ các camera gửi về và các cảm biến (sensor), các thiết bị điều khiển chuyển động như đánh lái, phanh, ga… Để chúng có thể hoạt động một cách thống nhất và chính xác đòi hỏi tốc độ xử lý cũng phải rất nhanh. Chính vì thế, hiện nay tốc độ xử lý của hệ thống là 30 ms/frame hình, hay nói cách khác là 30 khung hình trên 1 giây. Linh cho biết, chi phí để có thể sử dụng được công nghệ tự lái, hoặc điều khiển bằng giọng nói có giá trị bằng nửa chiếc xe sử dụng (tùy theo loại xe).
“Thời gian tới nhóm sẽ phát triển để hệ thống chạy ổn định hơn, xử lý được các tình huống giao thông bất ngờ hơn. Tuy nhiên, điều mà nhóm trăn trở chính là tình hình giao thông hiện nay của thành phố rất phức tạp, sẽ rất khó để công nghệ xe tự lái có khả năng ứng dụng. Nếu thành phố có một làn dành riêng cho xe tự lái thì khả năng ứng dụng sẽ rất cao”, Linh chia sẻ.

Gặp gỡ nhóm kỹ sư trẻ sáng chế công nghệ lái tô tô tự động, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết : “Tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu sản phẩm này và cho rằng đây là nghiên cứu đúng hướng cho sự phát triển của phương tiện giao thông trên thế giới hiện nay”. Theo ông Cường, quan điểm của Sở là ủng hộ sự sáng tạo của nhóm kỹ sư trẻ, sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhóm này có thể phát huy được công nghệ trên. Tuy nhiên với tình hình giao thông hiện nay của thành phố thì công nghệ này chưa thể ứng dụng ngay ra đường. Trước hết Sở sẽ cho phép nhóm được thử nghiệm tại một số tuyến đường vắng trong khu công nghiệp, sau đó nếu cho ra đường chạy thì vẫn phải có người ngồi bên cạnh để đảm bảo an toàn, xử lý các tình huống bất ngờ và từ đó có thể khắc phục được những điểm chưa hoàn thiện của công nghệ này.

Đỗ Loan