Trang chủ Tin Tức Trung Quôc sẽ có Thung lũng Blockchain?

Trung Quôc sẽ có Thung lũng Blockchain?

675
Blockchain là gì?
Nói một cách đơn giản, blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phi tập trung hoá. Thông tin không được lưu trữ trên một máy chủ hay do một công ty quản lý mà được chia sẻ giữa nhiều máy tính để tất cả mọi người tham gia có thể truy cập ở mọi thời điểm.
 

Các chuỗi khối không có bộ phận quản trị trung tâm và điều này giảm thiểu nguy cơ tham nhũng và giả mạo. Trên thực tiễn, chính phủ là cơ quan phê duyệt hệ thống phi tập trung hoá này trong phạm vi có thể giám sát và kiểm soát những gì đang diễn ra.

Cho đến nay, ứng dụng công nghệ blockchain nổi tiếng nhất là đồng tiền ảo Bitcoin. Song đối với một đất nước có sự kiểm soát chặt chẽ về vốn như Trung Quốc, thì đồng tiền này bị cấm giao dịch vì chính phủ nước này lo ngại đồng tiền kỹ thuật số này có thể được sử dụng cho mục đích chuyển tiền ra ngoài Trung Quốc.
Sổ cái số về dữ liệu
Song triển vọng về công nghệ blockchain không giới hạn ở các giao dịch tài chính. Công nghệ này có thể được sử dụng cho công tác quản lý các hợp đồng, cổ phiếu, các tài liệu chính thức, bản quyền, các cuối chuỗi cung cấp và thậm chí giúp công tác bỏ phiếu trở nên minh bạch và hiệu quả hơn. Blockchain có thể được mô tả như một cuốn sổ cái số về dữ liệu. Khi một giao dịch giữa người gửi và người nhận diễn ra, một hiện trạng mới được ghi chép. Chính những người tham gia cấp quyền cho mỗi giao dịch ở từng chuỗi dữ liệu.
Ví dụ, nếu Tom chuyển tiền cho John, sẽ có hàng trăm người chứng kiến để có thể xác nhận giao dịch này diễn ra trên thực tế mà không cần phải biết Tom hay John. Hệ thống này hơi rườm rà song ít có nguy cơ gian lận hơn nhiều.

Chuyên gia công nghệ Axel Apfelbache đã từng giải thích như sau: “Đó giống như vỏ bảo vệ Internet vì cho phép các giao dịch an toàn giữa những người không biết nhau mà không có sự can thiệp của một bên thứ ba”. Các ngân hàng, các công ty thẻ tín dụng và các sở giao dịch chứng khoán vốn là các cơ quan môi giới tin cậy có thu phí có thể cuối cùng trở nên dư thừa nếu blockchain miễn phí có độ tin cậy tương đương.
Một ngày nào đó, blockchain còn có thể thay thế các sàn kinh doanh cũng như các cơ quan đăng ký đất đai, thương mại và công chứng. Một số người dự đoán các công ty như Uber hay Airbnb sẽ biến mất khi nhà cung cấp và người sử dụng có thể liên hệ trực tiếp với nhau. Liệu điều này có thể trở thành hiện thực?
Đối với một đất nước đông dân như Trung Quốc, công nghệ blockain có sức hấp dẫn đặc biệt. Bởi, các khối dữ liệu khổng lồ có thể được quản lý một cách phi tập trung và an toàn với chi phí thấp cho dù là thiết bị hay nhân viên. Chính phủ Trung Quốc dĩ nhiên muốn giám sát mọi thứ. Các nhà phát triển công nghệ blockchain Trung Quốc đang nghiên cứu về một số vấn đề để biến ý tưởng này thành hiện thực.
Vấn đề khó khăn hiện nay là việc quản lý quyền cấp quyền truy cập dữ liệu. Hơn nữa, khi các chuỗi thông tin ngày càng dài hơn tuy tạo ra sự minh bạch và chống tham nhũng song khiến việc xử lý những lượng dữ liệu lớn là việc làm không dễ dàng.
“Thung lũng Blockchain”
Chính phủ Trung Quốc muốn tập trung vào ưu điểm hơn là nhược điểm của công nghệ blockchain. Trong bài phát biểu gần đây ở Học viện Khoa học Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố công nghệ blockchain là một sự phát triển mang tính đổi mới.
Ba năm trước, Trung Quốc đã đưa công nghệ blockchain vào kế hoạch năm năm lần thứ ba đề ra các mục tiêu phát triển thời kỳ 2016 – 2020. Bộ Công nghệ Thông tin Trung Quốc muốn chuẩn mực hoá sự phát triển ứng dụng này.
Vào tháng 3 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã để rò rỉ ý tưởng thành lập một “Trung tâm Phát triển Đầu tư Blockchain Quốc tế” tại nước này để thiết lập ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp blockchain tương lai. Cùng tháng này, Ngân hàng Trung Quốc đã nộp bằng sáng chế để giải quyết vấn đề lưu trữ mà không làm ảnh hưởng đến khả năng truy vết và tính không biến đổi của thông tin.
Một khu công nghiệp để phát triển công nghệ blockchain được mở tại thành phố phía Đông Hàng Châu vào tháng 4 nhờ một quỹ đổi mới trị giá 1,6 tỉ USD. 30% số vốn này là của chính quyền địa phương. “Thung lũng Blockchain” này thu hút các chuyên gia trẻ bằng giá cho thuê ưu đãi và cấp kinh phí nghiên cứu. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã tập hợp được khoảng 400 sáng chế có liên quan đến công nghệ blockchain, nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Mỹ đứng sau Trung Quốc về lĩnh vực này với 110 sáng chế, còn Australia thậm chí còn bị bỏ xa hơn với 40 sáng chế.
Các công ty quan trọng của Trung Quốc như công ty thương mại điện tử JD.com, hãng chế tạo máy tính cá nhân Lenovo và nhà cung cấp công cụ tìm kiếm Badu cũng đầu tư mạnh vào công nghệ blockchain. Tập đoàn bảo hiểm trực tuyến lớn ZhongAn do ông chủ Alibaba Jack Ma CEO Tencent Pony Ma và chủ tịch Công ty Bảo hiểm Ping An, Ma Mingzhe, thành lập cũng bắt đầu làm việc với trên 100 bệnh viện để đưa công nghệ blockchain ứng dụng vào việc xử lý an toàn dữ liệu bệnh nhân. Chen Wein, trưởng phòng công nghệ ZhongAn, gần đây cho biết công nghệ blockchain có thể đóng một vai trò lớn trong việc cải cách ngành bảo hiểm Trung Quốc.
Công nghệ blockchain còn có thể được sử dụng vào lĩnh vực phát triển. Ngân hàng Trung Quốc gần đây công bố kế hoạch áp dụng công nghệ blockchain trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở Tây Tạng. Công nghệ này được sử dụng để hoạt động giải ngân vốn hiệu quả hơn. Zhang Shoucheng, Giáo sư Vật lý tại Đại học Stanford, Mỹ và là nhà sáng lập công ty vốn mạo hiểm Danhua Capital phát biểu trên đài truyền hình CCTV cho hay thế giới đang bước vào “một kỷ nguyên mới” nhờ công nghệ blockchain.
Cơ hội và thách thức
Hiện vẫn chưa rõ liệu công nghệ này sẽ tự khẳng định là nhanh nhất hay không và trong lĩnh vực nào sẽ đem lại hiệu quả cho các nhà đầu tư. Hiện tại, hầu hết các dự án blockchain tại Trung Quốcđều chưa thành công. Trong báo cáo gần đây, Học viện Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) cho biết tuổi thọ trung bình của các dự án này thường là khoảng 15 tháng.
Liệu công nghệ blockchain có phải chỉ là một sự thổi phồng rỗng tuyếch hay không? Câu trả lời đã được phần nào phản ánh qua nhận xét của ông Yu Kequn, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Công nghệ An ninh Quốc tế Trung Quốc: “Sự phát triển công nghệ blockchain có thể trở thành một bước tiến quan trọng để Trung Quốc giữ vững khả năng cạnh tranh quốc tế của mình”.
Người Trung Quốc vốn có truyền thống chấp nhận mạo hiểm và dám chịu rủi ro. Từ khủng hoảng trong tiếng Trung được viết là “nguy cơ” và từ này được hợp thành bởi hai chữ “sự hiểm nguy” và và “cơ hội”./.
CTV Xuân Hương/VOV.VN

VietBao.vn