Theo Howtogeek, khi nhắc đến khắc phục tốc độ xử lý (hay đơn giản là giúp cho
điện thoại chạy mượt hơn), bạn cần nhớ đến RAM. Với hầu hết những hệ điều hành hiện nay, bạn mở nhiều ứng dụng khác nhau, chúng sẽ dần làm đầy bộ nhớ RAM. Càng mở nhiều ứng dụng thì bộ nhớ RAM càng vơi đi.
Nhưng khi bạn tắt ứng dụng – hoặc dọn dẹp bộ nhớ một cách thủ công, các ứng dụng này vẫn không hoàn toàn tắt. Trên thực tế, một số tập tin nhỏ của ứng dụng vẫn được lưu giữ trên bộ nhớ RAM (dù không cần thiết), khiến dung lượng RAM ít lại.
Tiếp đó, hệ điều hành sẽ vẫn sắp xếp các tập tin bên trong RAM để có khoảng trống cho ứng dụng khác hoạt động, đây chính là lí do khiến điện thoại chậm một chút – vì hệ điều hành vừa phải khởi động ứng dụng, vừa phải điều chỉnh mọi thứ bên trong RAM sao cho hợp lý.
Bạn cũng có thể đã nghe câu nói “RAM trống là RAM lãng phí” trước đây, và trong hầu hết trường hợp, điều này là đúng. Tất cả hệ điều hành dựa theo chuẩn UNIX – ví dụ như Android, ít xảy ra lỗi ngay cả khi bộ nhớ RAM đầy. Windows trên máy tính sẽ hoạt động tốt hơn khi bạn cài đặt thêm RAM trống. Nhưng nói chung bạn không cần lo lắng quá nhiều về điều này.
Vậy thì khởi động lại sẽ mang lợi ích gì?
Đơn giản thôi: khi bạn
khởi động lại điện thoại, bộ nhớ RAM sẽ xóa sạch mọi thứ bên trong. Tất cả tập tin phân mảnh của các ứng dụng trước đó và cả những ứng dụng đang chạy sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Bộ nhớ RAM sạch sẽ theo đúng nghĩa đen.
Giao diện quản lý bộ nhớ trên một điện thoại Android |
Kết quả? Ứng dụng khởi động nhanh hơn. Bạn chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng với nhau nhanh hơn. Và trạng thái “nhanh nhẹn” này sẽ kéo dài vài ngày, hoặc vài tuần.
Tuy nhiên, bài viết không ám chỉ bạn nên khởi động lại điện thoại liên tục. Có những hệ điều hành sở hữu khả năng quản lý bộ nhớ tốt hơn số khác. Không phải 100% trường hợp khởi động lại sẽ giúp thiết bị nhanh hơn một cách đáng kể.
Khởi động lại không chỉ cải thiện tốc độ xử lý của hệ điều hành, mà cũng khắc phục một số lỗi thông thường ở
ứng dụng điện thoại. Vậy nên nếu như bạn đang gặp lỗi trên ứng dụng nào đó, mà việc tắt mở ứng dụng vẫn không mang lại kết quả khả quan, hãy thử khởi động lại điện thoại.
Bởi vì ngay cả khi bạn tắt ứng dụng, những tập tin nhỏ của ứng dụng vẫn có mặt trong RAM, có thể gây xung đột với tập tin khác và gây lỗi. Xóa hoàn toàn chúng bằng cách khởi động lại sẽ giúp ứng dụng chạy ở trạng thái “tươi mới”. Mặc dù không phải lúc nào phương pháp này cũng hiệu quả trong tất cả trường hợp, nhưng đừng ngại thử.