Nokia 1 sở hữu một mức giá rất rẻ (1.89 triệu đồng), vậy nên phần cứng của nó cũng rất khiêm tốn: chip MediaTek MT6737M, RAM 1GB và bộ nhớ trong 8GB. Đề bù đắp cho cấu hình, Nokia đã mang đến cho chiếc máy này một “liệu pháp” về phần mềm, đó là Android Oreo (Go Edition), hay còn được viết tắt là Android Go. 
Android Go về cơ bản vẫn là hệ điều hành Android mà chúng ta đã quen thuộc, nhưng nay được tối ưu hoá để chạy trên các thiết bị với cấu hình thấp. Vậy cụ thể, sự “tối ưu hoá” đó là gì? Hãy cùng chúng tôi có một cái nhìn chi tiết về Android Go trên Nokia 1.
Hệ điều hành Android “thon gọn” hơn
Theo Google, Android Go sẽ tiết kiệm dung lượng bộ nhớ trong lên đến 2 lần so với phiên bản đầy đủ. Với một thiết bị chỉ được trang bị dung lượng bộ nhớ trong ít ỏi là 8GB như Nokia 1, đây là một điều rất cần thiết.
Qua so sánh, hệ điều hành Android Go trên Nokia 1 chiếm dung lượng 2.2GB. Trong khi đó, một thiết bị chạy Android 8.0 đầy đủ với giao diện gần như gốc là HTC U Ultra chiếm đến 6.2GB, cho thấy sự khác biệt là rất rõ ràng. Nhờ dung lượng nhỏ hơn, người dùng có thêm không gian cho các ứng dụng và dữ liệu của mình, cụ thể trong trường hợp của Nokia 1 là khoảng 5GB. 
Với Android Go, hệ điều hành Android chỉ sử dụng hơn 2.2GB bộ nhớ trong
Play Store ưu tiên ứng dụng rút gọn
Kho ứng dụng Play Store trên Android Go cũng có một thay đổi nhỏ. Khi người dùng truy cập, hiển thị ngay trang chính sẽ là tuyển tập các ứng dụng gọn nhẹ, được thiết kế dành cho các máy cấu hình thấp. Điều tương tự cũng được áp dụng khi người dùng tìm kiếm và cài đặt các ứng dụng. Ví dụ, Play Store sẽ khuyến khích người dùng cài đặt Facebook Lite – phiên bản rút gọn của ứng dụng Facebook thay vì phiên bản đầy đủ.
Play Store trên Android Go gợi ý người dùng cài đặt phiên bản rút gọn của các ứng dụng
Loạt ứng dụng “Go” tối ưu cho phần cứng yếu
Lợi thế có thể coi là lớn nhất của Android Go là loạt ứng dụng đi kèm. Android Go vẫn đi kèm loạt ứng dụng và dịch vụ của Google, nhưng là phiên bản gọn nhẹ (hay còn gọi là phiên bản “Go”). Những ứng dụng đó bao gồm Google Go, Gmail Go, Youtube Go, Maps Go, Gboard Go và Files Go.
Google Go, đúng như tên gọi, là ứng dụng tìm kiếm. Nó cũng hỗ trợ khả năng tìm kiếm bằng giọng nói và Google Asistant. So với ứng dụng Google đầy đủ, điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là việc nó không có “feed” – danh sách thông tin về thời tiết, tin tức… mà người dùng quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải sự thiếu sót lớn do là tính năng mà rất ít người sử dụng.
Google Go
Gmail Go mặc dù được quảng cáo là phiên bản rút gọn của ứng dụng email Gmail, tuy nhiên theo chúng tôi trải nghiệm, nó gần như không có một sự khác biệt nào về tính năng mà người dùng có thể nhận ra. Khi được trang TechCrunch hỏi về những điểm khác nhau giữa Gmail và Gmail Go, Google cũng từ chối bình luận. Vì vậy, Gmail Go có lẽ chỉ đơn thuần là tiết kiệm dung lượng bộ nhớ trong hơn.
Gmail Go
Youtube Go lại là một câu chuyện hoàn toàn trái ngược, khi nó bị lược đi rất nhiều tính năng. Khi truy cập vào ứng dụng này, người dùng sẽ chỉ thấy 2 tab ở dưới là Trang chủ và Video tải xuống. Như vậy, một trong những tính năng quan trọng là Subscriptions (kênh đăng ký) đã bị gỡ bỏ. 
Khi bấm vào một video, thay vì được đưa thẳng vào giao diện xem video, Youtube Go sẽ luôn hỏi người dùng muốn tải về video hay xem trực tiếp. Khi đang xem video, người dùng cũng không thể đọc comment từ người khác, thích/ghét video… mà chỉ là danh sách video liên quan. Nhìn chung, mọi tính năng liên quan đến mạng xã hội đều bị gỡ bỏ. 
Một điều rất kỳ quặc là Youtube Go lại yêu cầu người dùng phải nhập số điện thoại và tài khoản Google thì mới cho phép sử dụng, tức là người dùng sẽ không thể xem video dưới tư cách khách như ứng dụng thông thường.
Youtube Go
Maps Go lại cho thấy một hướng đi độc đáo hơn, khi thay vì tích hợp toàn bộ ứng dụng, tất cả những gì nó làm là đưa người dùng đến phiên bản mobile của website Google Maps. Mặc dù vậy, nó vẫn sở hữu những tính năng mà người dùng cần, trong đó bao gồm tìm kiếm địa điểm và dẫn đường.
Maps Go
Files Go là một ứng dụng hoàn toàn mới dành cho Android Go. Về cơ bản, nó là một ứng dụng quản lý tập tin, tuy nhiên không theo cách thường thấy là liệt kê cây thư mục/tập tin của hệ thống, mà là gộp các tập tin trong máy theo thể loại (ảnh/video/tài liệu…). Nó cũng được thiết kế để người dùng có thể tăng tối đa dung lượng bộ nhớ trong, thông qua việc nhắc nhở họ xoá các tập tin rác, dung lượng lớn hay lâu không sử dụng. 
Files Go cũng được trang bị tính năng chia sẻ file tốc độ cao thông qua Wi-Fi với một thiết bị khác, với điều kiện cả hai đều phải cài đặt ứng dụng này.
Files Go
Gboard Go là ứng dụng “Go” mà người dùng không thấy trong danh sách ứng dụng, tuy nhiên sẽ sử dụng rất nhiều do nó là bàn phím mặc định đi kèm hệ thống. Nó vẫn bao gồm đầy đủ những tính năng hữu ích của phiên bản đầy đủ như tiên đoán từ, gõ bằng cách vuốt (Swipe), Emoji, tìm kiếm Google, dịch thuật qua Google Translate và thậm chí là cả thay đổi chủ đề (Themes). Hai tính năng bị cắt giảm là sticker và khả năng tìm kiếm ảnh GIF – vốn là những thứ tốn nhiều dung lượng bộ nhớ trong và cả dữ liệu di động.
Gboard Go Mở hộp và trên tay Nokia 1: Smartphone giá chưa tới 2 triệu thì có những gì?