Các nhóm bảo vệ quyền lợi số đang phản đối Đạo luật về bản quyền dự kiến được đưa ra Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu ban hành vào cuối tháng 6/2018. Mục tiêu của đạo luật là bảo vệ những chủ thể quyền trong thời đại Internet, trong nỗ lực cân bằng mối quan hệ giữa chủ thể quyền và các nền tảng trực tuyến (platform).
Ảnh minh họa: (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quy định mới này đang gây hiểu nhầm về cách thức con người can thiệp vào nội dung web và có thể dẫn tới việc kiểm duyệt gắt gao nội dung số.
Điều 13 của dự thảo nhắc đến các nhà cung cấp platform phải có biện pháp đảm bảo việc thực hiện những thỏa thuận với chủ thể quyền để sử dụng tác phẩm của họ. Các chuyên gia nhận định yêu cầu này sẽ bắt buộc tất cả các platform Internet phải sàng lọc các nội dung đăng tải bởi người dùng, dẫn đến hạn chế nghiêm trọng về tự do ngôn luận. Bên cạnh đó, cũng có những quan ngại về việc triển khai các thuật toán nhằm đảm bảo an toàn cho các nền tảng nói trên bằng cách xóa mọi nguy cơ tiềm tàng.
Jim Killock, Giám đốc điều hành của Open Rights Group (Anh) cho biết: “Điều 13 nói trên sẽ tạo ra cơ chế “robo-copyright”, tức là thiết bị tự động loại bỏ những nội dung mà chúng cho là vi phạm bản quyền, bất chấp các quy định luật pháp bảo vệ quyền lợi riêng tư của người sử dụng. Đáng tiếc là máy móc có thể phát hiện những lần đăng tải các ca khúc, nhưng chúng sẽ không thể nhận diện được những bản “nhạc chế”, hay những meme sử dụng hình ảnh có bản quyền, hoặc đưa ra bất kỳ một phán quyết văn hóa nào về những thứ sáng tạo của con người. Đặc biệt, EU muốn áp dụng phương thức Robocop với chủ nghĩa cực đoan, phát ngôn thù hận hay bất kỳ điều gì họ muốn khi đặt cạnh bản quyền. Điều này sẽ gây ra một thảm họa”.
Tổ chức Biên giới điện tử (EFF) cùng 56 tổ chức quyền lợi khác đã gửi một lá thư tới các nhà làm luật châu Âu vào tháng 10/2017 để bày tỏ quan điểm về dự thảo quy định này. “Điều 13 đang mang lại sự không rành mạch về pháp lý cho những dịch vụ trực tuyến ngoài lựa chọn kiểm soát, sàng lọc và ngăn chặn sự giao dịch của công dân EU nếu như họ vẫn tiếp tục tham gia hoạt động trực tuyến.”, lá thư nhắc đến.
Theo A.M (BBC/ICT News)