Sáng 6/6, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. 
Ba nhóm vấn đề các đại biểu quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. 
Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ
Đại biểu K’Nhiêu nêu bất cập trong đào tạo mầm non, ông muốn Bộ trưởng Giáo dục nhìn nhận rõ thực trạng và đưa ra giải pháp căn cơ.
Tiếp mạch vấn đề, đại biểu Đặng Thuần Phong không đồng tình với trả lời trước đó của Bộ trưởng Nhạ cho rằng giáo dục mầm non Việt Nam được quốc tế đánh giá cao.
“Ai đánh giá cao tôi không rõ, nhưng xin nhắc lại hiện quy mô phát triển lĩnh vực giáo dục này không đồng đều, mạng lưới chưa đồng bộ, chưa kể nguồn lực đầu tư cho mầm non rất thấp. So với các khu vực giáo dục khác thì tỷ lệ gia đình phải đóng góp đào tạo nhiều nhất, trong khi bức xúc của xã hội với giáo dục mầm non là rất lớn”, ông Phong nói. 
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đây là một trong vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua.
Hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon, 337.000 giáo viên. Ông Nhạ đánh giá, cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non.
Theo Bộ GD&ĐT, một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ. Còn có tình trạng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử với trẻ chưa chuẩn mực. Một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng thể chất, tinh thần của trẻ, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
“Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa”, ông nói.
Bộ GD&ĐT sẽ quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Một số cơ sở trọng điểm đào tạo giáo viên mầm non, còn những nơi khác trở thành trung tâm bồi dưỡng, tránh tình trạng đào tạo giáo viên tràn lan, chất lượng kém.
Đạo đức giáo viên xuống cấp có nguyên nhân từ nhiều phía
Bình luận về nội dung chất vấn liên quan đến sự xuống cấp đạo đức giáo viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “vừa qua dư luận rất bức xúc về vấn đề này”.
Tuy nhiên, bà Ngân nói, những trường hợp giáo viên hành xử không đúng mực chỉ là cá biệt, không phải phổ biến. “Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo chúng ta xuống cấp về đạo đức”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo lãnh đạo Quốc hội, đại biểu muốn nói tới trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục, vì chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng về những trường hợp liên quan đến đạo đức giáo viên thì các trường mới vào cuộc.
Bà Ngân cho rằng, các trường đều có địa chỉ rõ ràng, ở đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, ban ngành, đoàn thể đầy đủ. Nhưng khi xảy ra chuyện thì chính quyền địa phương, đoàn thể ở đó có biết hay không?. “Việc xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên có trách nhiệm của cả hệ thống, cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ có trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Giáo dục”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Hương Nguyễn