“Thành phố mình có gần 4,3 triệu người trong độ tuổi lao động mà làm cái này không được 2% là quá ít”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (phải) đang trò chuyện cùng ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam – Ảnh: Nguyễn Cường |
Bí thư thành uỷ thành phố cho biết cả nước đang phấn đấu có 1 triệu lao động trong ngành CNTT. Nếu ước tính số người trong độ tuổi lao động của cả nước là 40 triệu người thì tỷ lệ lao động CNTT chiếm trên 2,5%.
“Như vậy tỷ lệ lao động CNTT-VT ở thành phố mình thấp hơn trung bình cả nước, ít nhất theo con số tôi có”, ông Nguyễn Thiện Nhân kết luận.
Trong buổi hội thảo này, cũng có ý kiến cho rằng vấn đề nhân lực CNTT tại TP.HCM đang không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nhanh của thành phố. Trả lời việc này, ông Nhân cho rằng thành phố đã có đề án phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, trong đó có ngành công nghệ thông tin.
Do đó, nên có đánh giá chương trình phát triển nhân lực công nghệ thông tin trong thời gian vừa qua như thế nào, hoặc đặt hàng để hai năm rưỡi tới nữa làm gì để chuẩn bị cho các năm sau nữa. Đồng thời cần nâng cấp hệ đào tạo ở các trường đại học và các trường phổ thông để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Ông Nhân cho rằng thành phố nên đặt hàng Hội Tin học để đánh giá nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin đến đâu, từ đó có giải pháp để đáp ứng.
Trong buổi hội thảo chủ yếu nói về đô thị thông minh, khi có ý kiến cho rằng vấn đề an toàn thông tin cho thành phố là rất quan trọng, Bí thư thành uỷ cho rằng trong thành phố thông minh, càng kết nối thì càng rủi ro.
“Nhưng thế giới người ta rủi ro trước mình, người ta đi trước mình từ lâu. Ai cũng sợ cả thôi. Mình không vì cái đó mà mình không làm”, ông Nhân nói. “Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên trong cả nước sẽ chịu áp lực đầu tiên trong việc đảm bảo an toàn thông tin, chịu áp lực về an toàn hệ thống trước các nơi khác… Chúng ta phải đối đầu với thách thức đầu tiên thì chúng ta phải giải quyết nó đầu tiên”, ông Nhân nói tiếp.
Bí thư thành uỷ cho rằng thành phố phải đặt hàng kêu gọi các giải pháp trong việc bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống. Phải nhờ các doanh nghiệp và các trường đại học, các chuyên gia nước ngoài tham mưu về việc đảm bảo an toàn thông tin, hoặc phải có đối tác chiến lược có thể giúp thành phố trong việc này. Sau khi làm xong thì gửi các bộ, ngành để được góp ý.
Khi có ý kiến hỏi về các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia cung cấp giải pháp cho đô thị thông minh hay không, Bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ủng hộ tinh thần khởi nghiệp nhưng phải đứng trên quan điểm của cả hai phía.
Là người sử dụng sản phẩm, giải pháp nên thành phố sẽ muốn sản phẩm, giải pháp đó có chất lượng và độ tin cậy cao. Công ty khởi nghiệp cần có giải pháp đáp ứng một chuẩn nhất định. Hoặc doanh nghiệp có thể chọn cách hợp tác quy mô nhỏ, hai bên cùng làm từ những việc nhỏ để sau đó có các dự án lớn hơn.
Ông Nhân đưa ví dụ về việc thành phố thuê máy bơm chống ngập công suất cao để thử nghiệm chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh). Ban đầu, thành phố chỉ thử nghiệm hợp đồng thuê trong một năm để xem xét kết quả, từ sau đó mới quyết định thuê thêm hay không dựa vào tính hiệu quả của máy bơm.
“Lần đầu tiên hợp tác không thể ký ngay thuê 10 năm được mà phải thử nghiệm xem sử dụng tốt hay không”, ông Nhân nói.
Trong buổi gặp mặt với nhiều chuyên gia và hiệp hội trong ngành CNTT-VT tại TP.HCM, đại diện UBND TP và Thành uỷ đã lắng nghe ý kiến và giải đáp nhiều câu hỏi. Đơn vị chủ trì cho rằng cần có các buổi lắng nghe ý kiến tương tự nhiều hơn nữa để thành phố thu thập được nhiều đóng góp giá trị cho ngành CNTT-VT của TP.HCM.
Hải Đăng