Nếu các nhà lập pháp muốn điều tiết Facebook, họ sẽ cần phải thống nhất với nhau để tìm ra vấn đề mà họ đang cố gắng giải quyết.
Mark Zuckerberg điều trần trước Thượng viện Mỹ tại Tòa nhà văn phòng Thượng viện Hart ở Capitol Hill, Washington DC vào rạng sáng ngày hôm nay (11/4) theo giờ Việt Nam.
Facebook có phải một dịch vụ độc quyền? Mark Zuckerberg có nghĩ nền tảng của mình đi theo “thiên tả” không? Tại sao tôi lại đột nhiên thấy quảng cáo chocolate xuất hiện trên khắp Facebook? Tôi có nhiều bạn như tôi tưởng không? Facebook có theo dõi những email tôi gửi đi qua WhatsApp không?
Đó mới chỉ là một số câu hỏi được các Thượng nghị sĩ đưa ra cho CEO Facebook Mark Zuckerberg trong buổi điều trần ngày hôm nay. Đó cũng là những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy việc điều tiết Facebook sẽ rất phức tạp: Các nhà hoạch định chính sách không hiểu rõ vấn đề lớn nhất của Facebook là gì – và thậm chí họ còn không hiểu Facebook đã và đang làm những gì.
Zuckerberg, 33 tuổi, đã phải trả lời chất vấn trước 44 Thượng Nghị sĩ trong phiên điều trần chung của Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải và Ủy ban Tư pháp Thượng viện vào ngày hôm nay. Anh đã xin lỗi, một lần nữa, vì những hành động của Facebook và cam kết minh bạch những gì mà nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới đã làm, đang làm và sẽ làm để giải quyết tình hình.
Nhưng không phải những hành động của Zuckerberg thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Những câu trả lời của anh đã được lên kịch bản trước rất kỹ lưỡng với hàng trăm trang giấy, và đa số chúng đã xuất hiện trên khắp các mặt báo suốt thời gian qua. Điều đáng chú ý hơn chính là những câu hỏi chất vấn mà các Thượng Nghị sĩ đã đưa ra cho Mark Zuckerberg, những câu hỏi đầy “ngô nghê”, thiếu nhất quán và không đúng trọng tâm.
“Làm thế nào mà anh duy trì được một mô hình kinh doanh mà người dùng không trả phí cho dịch vụ?”, Thượng Nghị sĩ Orrin Hatch (R-UT) hỏi Mark Zuckerberg.
“Thưa Thượng Nghị sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo”, Zuckerberg trả lời sau một chút ngập ngừng, đồng thời nở một nụ cười tươi.
Mục đích chính của phiên điều trần là về quyền riêng tư trên mạng xã hội và việc sử dụng, lạm dụng dữ liệu người dùng. Mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo từ những dữ liệu đó của Facebook là một khái niệm vô cùng cơ bản.
Một số câu hỏi được đưa ra trong phiên điều trần rất… kỳ quặc
“Anh Zuckerberg, một tạp chí mà tôi mới mở ra gần đây có đi kèm với một đĩa mềm cho tôi 30 giờ miễn phí của một thứ gì đó gọi là America On-Line. Nó có giống với Facebook không?”
“Thật đáng buồn khi các Thượng Nghị sĩ phải gọi hẳn Mark Zuckerberg ra để giải thích cho họ cách thức hoạt động của Facebook chỉ vì con cháu của họ không chịu nghe điện thoại”.
“Có một điều rất rõ ràng trong buổi điều trần Facebook. Nhiều Thượng Nghị sĩ của Ủy ban không hiểu mọi thứ hoạt động như thế nào, chỉ biết đọc những câu hỏi đã được nhân viên soạn trước và có rất ít khả năng hỏi xoáy sâu hơn vào vấn đề”.
Ở trên là những phản ứng của cộng đồng mạng về phiên điều trần của Mark Zuckerberg. Nếu bạn hỏi mỗi người trong số 44 Thượng Nghị sĩ tham gia phiên điều trần, nhiều khả năng bạn sẽ có 44 câu trả lời khác nhau về việc chính xác thì vấn đề của Facebook là gì. Phiên điều trần, ít ra thì trên lý thuyết, phải xoay quanh việc Facebook đã thi hành các chính sách bảo mật dữ liệu như thế nào, và scandal với Cambridge Analytica. Tuy nhiên, các câu hỏi của Thượng viện lại rất thiếu nhất quán, sai trọng tâm và thậm chí là “ngô nghê” đến nỗi bạn hoàn toàn có thể trả lời bằng cách… tra Google.
Một số người dùng Twitter đã rất nhanh chóng chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến những câu hỏi kỳ quặc này của Thượng viện là vì các Thượng Nghị sĩ không phải là “những con người của kỷ nguyên số”. Độ tuổi trung bình của các nhà lập pháp tại phiên điều trần là 62, còn độ tuổi trung vị của các chủ tịch và thành viên của hai Ủy ban Thượng viện chủ trì phiên điều trần là gần 80.
“Theo tính toán của tôi, độ tuổi trung bình của các Thượng nghị sĩ đã đặt câu hỏi cho Zuckerberg cho đến thời điểm này là 71 tuổi”
Tất nhiên, những câu hỏi đầy hoang mang và ngô nghê ấy của các Thượng Nghị sĩ là khá buồn cười, nhưng đồng thời đó cũng là điều rất dễ hiểu. Rất nhiều người không hiểu hoặc có tầm hiểu biết rất hạn hẹp về cách thức vận hành của Facebook, điều gì xảy ra với dữ liệu của họ, và họ có thể làm gì để bảo vệ quyền riêng tư của mình.
“Tuy bạn hoàn toàn có thể “dìm hàng” các Thượng Nghị sĩ đã lớn tuổi vì những câu hỏi ngớ ngẩn của họ về Facebook, đây chính là mức độ hiểu biết của đa số mọi người về một thứ mà họ dùng hàng ngày. Lẽ ra bạn không cần phải là một chuyên gia về công nghệ để có thể hiểu về quyền riêng tư của các dữ liệu trực tuyến”.
Hơn hết, phiên điều trần ngày hôm nay cũng cho thấy việc điều tiết Facebook sẽ khó đến nhường nào. Các nhà lập pháp có một vài lựa chọn khả thi, bao gồm một án phạt khổng lồ từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), ban hành các bộ luật mới, thậm chí sửa đổi các bộ luật Liên bang để đảm bảo rằng các nền tảng phải chịu trách nhiệm cho những gì đã được đăng lên.
Nhưng nếu chúng ta không thể nhất trí về vấn đề, làm sao chúng ta có thể tìm ra phương án giải quyết?
Văn Hoàn