Câu chuyện xuất phát đầu tiên từ một nhà máy tái chế nhựa ở Nhật Bản, các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm Năng lượng Tái chế Quốc gia (NREL) trực thuộc bộ Năng lượng Mỹ tìm thấy một loại vi khuẩn có thể “ăn” được chai nhựa. Loại vi khuẩn này đã tiến hóa để thích ứng với môi trường rất nhiều đồ nhựa thải ở đó.
Các nhà khoa học đã công bố loại vi khuẩn này ra công chúng vào năm 2016 với tên gọi Ideonella sakaiensis. Sau đó, họ tiếp tục nghiên cứu và trong quá trình tìm hiểu cách thức loại vi khuẩn này bẻ gãy cấu trúc của nhựa, các nhà khoa học đã vô tình tạo ra một loại enzym đột biến, được đặt tên là PETase.
Điều đáng nói là PETase có khả năng tiêu hủy nhựa còn mạnh hơn cả loại vi khuẩn nói trên. Nhà sinh vật học cấu trúc John McGeehan từ đại học Portsmouth nói: “Yếu tố may mắn thường đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học, lần này cũng chẳng khác gì.
Nghiên cứu cho thấy, chúng ta có thể cải thiện những enzyme này, đưa con người gần hơn tới một giải pháp tái chế hiệu quả trước vấn nạn rác thải nhựa đang ngày một nghiêm trọng”.
Các nhà khoa học tìm ra cách tiêu hủy nhựa trong vài ngày.
Nhựa PET đã được thế giới sử dụng từ lâu, tuy nhiên Ideonella sakaiensis chỉ mới tiến hóa để biết cách “ăn” nhựa thời gian gần đây nên tốc độ tiêu hủy nhựa khá chậm.
Để nhựa PET phân hủy tự nhiên thì cần tới thời gian rất lâu, cả vài thế kỷ. Việc tìm ra PETase cải tiến với hiệu quả tiêu hủy nhựa cao hơn PETase tự nhiên khoảng 20% thực sự là một bước đột phá. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu cách để tạo ra những phiên bản PETase để xử lý những loại rác thải khó nhằn khác.
Hiện, nghiên cứu này vẫn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được đưa vào thực tế sử dụng.